Xu hướng phượt về quê ăn Tết
[ad_1]
Thay vì chọn đi xe khách, tàu hỏa hay máy bay, nhiều bạn trẻ phượt về quê ăn Tết với hành trình dài hàng nghìn km, băng qua nhiều khung cảnh đẹp ở các tỉnh thành.
Trước Tết khoảng 2-3 tuần, nhiều bạn trẻ vào các hội nhóm phượt trên Facebook, tìm bạn đồng hành hoặc kêu gọi lập đoàn phượt về quê ăn Tết. Xu hướng này “nở rộ” trong những năm gần đây vì mang lại cảm giác tự do, phiêu lưu, không bó buộc trong không gian hẹp của xe khách, tàu hỏa hay máy bay.
Phượt hàng nghìn cây số
Hoàng Lê (26 tuổi, sống tại TP.HCM) lần thứ 3 quyết định phượt về Huế ăn Tết cùng gia đình.
“Vì mùa Tết các nhà xe thường không còn vé, máy bay giá tăng cao nên tôi chạy xe máy về. Dù tốn nhiều thời gian và sức khoẻ nhưng đổi lại tôi được đi qua nhiều tỉnh thành có phong cảnh đẹp, ghé vài địa điểm để du lịch. Ngồi xe khách hay máy bay không thể ngắm mọi thứ chân thật như khi phượt”, bạn trẻ này chia sẻ.
Theo khảo sát, các đoàn phượt năm nay khởi hành từ ngày 2/2 (23 Tết) hoặc ngày 3/2 (24 Tết). Lộ trình thường kéo dài 2-5 ngày. Ở khu vực TP.HCM, phần lớn các bạn trẻ chọn đi cung đường dọc theo biển miền Trung, TP.HCM – Tây Nguyên và TP.HCM xuôi về các tỉnh miền Tây.
Hoàng Lê dự định phượt quãng đường dài hơn 1.000 km từ TP.HCM đến Huế lúc 3h, ngày 2/2 (23 Tết) và kết thúc hành trình vào ngày 6/2 (27 Tết).
Điểm dừng chân đầu tiên của Hoàng là thành phố Đà Lạt vì muốn ngắm hoa mai anh đào bung nở. Ngày tiếp theo, bạn trẻ này đổ cung đường đèo Khánh Lê (giáp tỉnh Lâm Đồng) để về tỉnh Khánh Hoà. Đến ngày 4/2 (25 Tết) rẽ hướng về thành phố Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên), một điểm du lịch nổi tiếng vùng duyên hải miền Trung.
Ngày 5/2 (26 Tết), Hoàng xuất phát từ quốc lộ 1A về thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) và nghỉ lại qua đêm để phục hồi sức khỏe. Ngày cuối cùng sẽ chinh phục đèo Hải Vân để về thành phố Huế.
Mức dự trù kinh phí rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng, tính theo độ tiêu hao xăng của xe và bao gồm chi phí ăn uống, lưu trú, sinh hoạt.
Anh Hồ Vĩnh Sơn (27 tuổi) vốn là người đam mê xê dịch. Thế nhưng, mấy năm nay, kinh tế khó khăn, phải lo cơm áo gạo tiền, anh không có nhiều thời gian vi vu khắp nơi như trước. Đó là lý do anh quyết định chạy xe máy về quê ăn Tết. Anh xem hành trình này là phần thưởng cho bản thân sau một năm làm việc vất vả.
Anh Sơn dự kiến chạy xe 2 ngày 1 đêm, bắt đầu từ ngày 6/2 (27 Tết), xuất phát từ Bình Phước về Nghệ An. “Mình thường chạy xe từ sớm để khỏi tắc đường và tận hưởng thời tiết mát mẻ. Nhóm mình thường có 3-4 người cùng chạy xe, ưu tiên chạy ra các cung đường ven biển để dừng chân ngắm cảnh đẹp”, anh Sơn chia sẻ.
Anh Sơn dự trù chi phí khoảng 1,5 triệu đồng. Trong đó tiền xăng mất khoảng 800.000 đồng, còn lại là chi phí cho tiền ăn uống, lưu trú, sửa chữa xe…
Xu hướng ngày càng nở rộ
Được biết, anh Sơn đã phượt về quê từ năm 2020, không chỉ dịp Tết Nguyên đán, các dịp nghỉ lễ khác anh cũng tự chạy xe về quê. Ban đầu anh chỉ chạy xe một mình. Sau này, trên đường đi đã có cơ hội gặp gỡ nhiều người cũng chạy xe về quê ăn Tết.
“Ngày càng nhiều người trẻ phượt về quê các dịp lễ, Tết. Thấy xe họ cũng chằng kín đồ, tôi hỏi thăm và cùng chạy. Tới các trạm dừng, chúng tôi cùng nghỉ ngơi, uống nước và giao lưu, kết bạn. Cuối năm lại nhắn tin hỏi xem năm nay có tự chạy xe máy về tiếp không để hẹn ngày đi cùng nhau”, anh Sơn tâm sự.
Cùng quan điểm, anh Trần Đông, người có kinh nghiệm phượt 8 năm, cho biết xu hướng phượt về quê ăn Tết không quá mới, cách đây vài năm đã xuất hiện trên các hội nhóm phượt vào những dịp lễ dài ngày hay Tết Nguyên đán.
“Cung đường miền Trung được nhiều người yêu thích vì chạy dọc theo bờ biển có thể ngắm cảnh đẹp. Nếu đi cung đường hướng lên Đà Lạt, Đắk Nông, Đắk Lắk cũng băng qua rừng thông và đồi núi. Còn cung đường về miền Tây tương đối ngắn, đa phần là đường quốc lộ nên ít người lựa chọn hơn”, anh Đông nói.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm phượt về quê ăn Tết, anh Sơn cho biết về quê sẽ mang nhiều đồ đạc nên cần sắp xếp tối ưu và gọn nhất để chỗ ngồi thật thoải mái và thuận tiện cho mỗi lần dừng đổ xăng. Thứ 2, trang phục ưu tiên mặc những bộ gọn gàng để gió đỡ tạt vào người. Thứ 3, mũ bảo hiểm nên chọn loại kính che kín hoặc 3/4 mặt để đảm bảo an toàn, tránh được gió, bụi.
“Nếu gặp trời mưa hoặc bản thân mệt hãy ngủ lại thêm một đêm. Trên đường đi thấy cảnh đẹp hãy dừng lại nghỉ chân, chụp hình. Như vậy chuyến đi sẽ vui và ý nghĩa hơn nhiều”, anh Sơn bộc bạch.
Ngoài ra, vấn đề an toàn khi chạy xe được đặt lên hàng đầu khi bắt đầu hành trình phượt. Việc chạy đúng và làm chủ tốc độ, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, giấy tờ tùy thân là điều quan trọng. Nếu đi theo đoàn hơn 6 xe cần chạy theo hình dích dắc để dễ quan sát phía trước.
“Xe cộ nên kiểm tra kỹ trước 2 tuần. Nếu có vấn đề phải bảo trì ngay để tránh trường hợp hỏng xe dọc đường”, Hoàng nói.
[ad_2]
Du thuyền 5 sao Hạ Long