Sắc màu ẩm thực Tết vùng cao

[ad_1]

Quảng Ninh có 42 dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó chiếm đa số là dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, phân bố chủ yếu ở các huyện miền Đông của tỉnh. Là vùng đất hội tụ, giao thoa nhiều nền văn hóa, nhưng mỗi địa phương, dân tộc có những bản sắc riêng trong văn hóa ẩm thực ngày Tết.

Mâm cỗ ngày Tết vùng cao Quảng Ninh với những món ăn truyền thống

Bánh chưng cơm lông

Ngày Tết ở vùng cao Quảng Ninh không thể thiếu chiếc bánh chưng dài được gói cùng lá cơm lông (còn gọi là lá kim lông) trộn vào nhân bánh, với màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn.

Để làm bánh ngon, đồng bào dùng gạo nếp bản ngon nhất, hạt tròn, mẩy, thơm; nhân gồm thịt lợn ba chỉ và lá cơm lông xay nhuyễn, rắc xen kẽ giữa lớp gạo. Bánh được gói chặt tay bằng lá dong hoặc lá ỏng, hình trụ tròn, buộc lạt rồi luộc từ 10-12 tiếng đồng hồ. Bánh chín rền có vị thơm bùi của lá cơm lông, gạo nếp nhuyễn cùng vị ngậy của thịt mỡ, tạo nên hương vị riêng có. Bánh khi cắt ra để ăn, nhân bánh có màu đỏ tía rất đẹp mắt.

Bánh chưng cơm lông – món ăn đặc trưng ngày Tết của đồng bào vùng cao Quảng Ninh.

Bên cạnh bánh chưng cơm lông, gia đình nào bố mẹ đã về với tổ tiên thì phải gói thêm cặp bánh chưng to hơn (gọi là bánh bố, bánh mẹ) để dâng cúng trong những ngày Tết. Bánh chưng mẹ tròn to, ở giữa có một quả trứng gà; bánh chưng bố có một con cá nướng bên trong, ngoài ra còn có nhân thịt và lá cơm lông. Hai loại bánh này cùng vài bánh con được gói lại thành bó đem luộc chín để cúng ông bà tổ tiên cùng nhiều thức khác trong ngày Tết Nguyên đán.

Cặp bánh chưng bố, mẹ của người Tày đón Tết.

Bánh tài lồng ệp

Bánh tài lồng ệp là món bánh đặc sản mang theo tín ngưỡng thờ cúng trời đất của người Sán Dìu, trở thành món ăn Tết của nhiều gia đình ở Quảng Ninh.

Nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản, nhưng cách thức làm món bánh này lại khá cầu kỳ, qua nhiều công đoạn. Bột nếp trộn đều với một ít bột tẻ, đường phên, chút gừng làm gia vị, rồi đổ vào khuôn có lót lá chuối, rắc lên ít vừng lạc, cuối cùng đem hấp cách thủy. Bánh chín có màu vàng nâu, để nguội ăn sẽ ngon hơn, có vị thơm ngọt của gừng và đường phèn, vị bùi của vừng, lạc. Bánh tài lồng ệp có thể để đến 10 ngày sau Tết, khi bánh cứng lại cắt nhỏ rán trong dầu mỡ, vỏ bánh giòn mà ruột vẫn mềm dẻo, tạo nên một vị ngon khó cưỡng.

Bánh coóc mò

Với người dân tộc Tày ở huyện Bình Liêu, bánh coóc mò là loại bánh truyền thống, mang đậm dấu ấn núi rừng Đông Bắc. Trong tiếng Tày “coóc mò” có nghĩa là sừng bò. Bánh coóc mò được gói bằng lá chít, hình chóp nhọn như sừng bò, có hai loại là có nhân và không nhân. Bánh không nhân thường được gói vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, các ngày lễ hội của người Tày, vì để được lâu hơn; còn bánh có nhân thịt và lá cơm lông được gói quanh năm. Bánh gói xong thường được buộc lại thành xâu rồi đem luộc, tượng trưng cho sự đoàn kết, sung túc của đồng bào dân tộc vùng cao.

Bánh tài lồng ệp và bánh coóc mò.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc là món ăn dân dã đặc trưng ngày lễ, Tết, được chế biến hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên, gồm gạo nếp và các loại lá cây tạo màu. Xôi có đủ 5 màu đỏ, vàng, xanh, tím, trắng, tượng trưng cho triết lý âm dương ngũ hành. Xôi chín có độ dẻo, mùi thơm của nếp mới, thể hiện sự đảm đang khéo léo của người phụ nữ vùng cao. Ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, ngửi mùi thơm ngào ngạt, được nếm miếng xôi dẻo thơm do chính tay người Tày, người Dao, người Sán Chỉ nơi đây làm, chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng này trên mâm cỗ ngày Tết.

Xôi ngũ sắc – món ăn dân dã đặc trưng ngày Tết tượng trưng cho âm dương ngũ hành.

Về với Quảng Ninh dịp Tết để thưởng thức những hương vị Tết cổ truyền qua những món ăn ẩm thực đặc trưng. Trong cái se lạnh của những ngày đầu xuân mới, các thành viên gia đình, anh em họ hàng cùng nhau quây quần bên mâm cỗ, cùng thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc mình, góp phần tăng thêm tình đoàn kết, tạo nên hương vị ngày Tết vùng cao thêm đậm đà, đầm ấm.



[ad_2]

Du thuyền 5 sao Hạ Long