Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị

[ad_1]

Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam có gần 900 đô thị với 5 thành phố trực thuộc trung ương, đóng góp 70% GDP cả nước. Tại nhiều đô thị có nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn nổi trội, du lịch đã thật sự trở thành động lực đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam). (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Tiêu biểu như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)… Sự phát triển du lịch tại các đô thị không chỉ góp phần cải thiện cảnh quan, kết cấu hạ tầng, dịch vụ công cộng tại địa phương, mang đến nhiều cơ hội việc làm cho xã hội, mà còn tạo sức lan tỏa kéo theo nhiều ngành nghề liên quan cùng phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, việc phát triển “nóng” về du lịch ở một số đô thị cũng gây ra những tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội và môi trường địa phương.

Theo Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, thực tế phát triển du lịch tại các đô thị ở Việt Nam như Sa Pa, Hạ Long, Hội An… thời gian qua cho thấy, sự gia tăng lượng khách đến các đô thị trong mùa du lịch, đã gây nên những áp lực không nhỏ đến hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống xử lý chất thải, trong khi năng lực thu gom và xử lý chất thải ở phần lớn các đô thị Việt Nam còn nhiều hạn chế. Sự gia tăng về lượng khách cũng gây áp lực đối với hệ thống giao thông đô thị vốn đã quá tải do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhất là ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, sự phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí để đáp ứng nhu cầu khách du lịch tại các đô thị còn dẫn đến xâm lấn không gian sống với người dân địa phương, khiến quỹ đất thu hẹp, giá bất động sản tăng cao… Cùng với đó là sự gia tăng giá cả sinh hoạt, gia tăng các vấn đề xã hội gây tác động tiêu cực đến các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở đô thị. Mâu thuẫn phát sinh giữa việc tăng số lượng khách tại các đô thị, nhất là ở những đô thị có lịch sử lâu đời với việc bảo tồn các giá trị vốn có ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Đây là thực trạng mà hầu hết các đô thị du lịch trên thế giới đều phải đối mặt và tìm cách giải quyết thông qua xây dựng các cơ chế, giải pháp chia sẻ linh hoạt, phù hợp với từng điạ bàn, bảo đảm du lịch tại các đô thị phát triển bền vững hơn.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển du lịch tại các đô thị vẫn được xác định là một trong những hướng đi cần ưu tiên đẩy mạnh. Trao đổi tại Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam-Những vấn đề đặt ra” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam nhận định, phát triển du lịch tại các đô thị cần phải coi trọng công tác quản lý điểm đến dựa trên nguyên tắc “sức chứa” và nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm để bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững. Ngành du lịch cần phối hợp ngành xây dựng sớm triển khai nghiên cứu hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về đô thị du lịch – nơi du lịch đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở đó, xây dựng những thương hiệu mạnh về đô thị du lịch dựa trên tính nổi trội, tính chuyên biệt của đô thị (đô thị xanh, đô thị thông minh…) hay các danh hiệu đô thị (đô thị đáng sống, đô thị hạnh phúc, đô thị hòa bình…) để nâng cao mức độ nhận diện điểm đến đô thị cũng như thương hiệu sản phẩm du lịch đô thị.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần điều chỉnh quy hoạch đô thị du lịch, ưu tiên thực hiện với khu trung tâm đô thị (nội thành), trong đó chú trọng bảo tồn các công trình kiến trúc đô thị truyền thống ở các khu phố cổ gắn với hệ thống tiện ích công cộng, các công trình dịch vụ du lịch.

“Trong điều kiện cho phép, cần điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển không gian ngầm hoặc không gian biệt lập ít ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân để dành cho việc xây dựng tổ hợp vui chơi giải trí-mua sắm-ẩm thực, bảo đảm các hoạt động có thể diễn ra 24/7, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm với trọng tâm là du lịch tại đô thị”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương nhấn mạnh.

Chuyên gia du lịch này cũng cho rằng, phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ 4.0 trong thực hiện mục tiêu phát triển đô thị thông minh, giúp du khách tiếp cận một cách nhanh nhất, đầy đủ thông tin về điểm đến du lịch cũng như được trải nghiệm những sản phẩm du lịch đô thị hoàn hảo nhất với sự hỗ trợ của công nghệ; đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng thay thế, tiết kiệm điện nước, tái sử dụng chất thải trong dịch vụ du lịch, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý chất thải từ du lịch để giảm tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường.

Tiến sĩ Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch khẳng định: Các vấn đề liên quan đến mối đe dọa đối với sự phát triển du lịch đô thị bền vững phải là cơ sở cho các hành động được thực hiện bởi các cơ quan du lịch có thẩm quyền và các tổ chức liên quan. Trong đó, các biện pháp ưu tiên gồm: Bảo tồn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa; hình thành sự đa dạng của tài nguyên thiên nhiên và văn hóa cùng với các hoạt động hỗ trợ; thu hút sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển du lịch ngay từ giai đoạn lập kế hoạch và tạo ra các nguồn thu nhập mới cho người dân; tập trung ưu tiên cho việc giảm chất thải, tiết kiệm năng lượng và nước, khuyến khích hành vi vì sinh thái của nhân viên du lịch, người dân và khách du lịch; chính quyền thành phố thúc đẩy thị trường mở và trao đổi chính sách về các dịch vụ du lịch tuân theo các nguyên tắc phát triển bền vững và tôn trọng luật môi trường quốc tế… Các chính sách phát triển du lịch đô thị bền vững cần mang tính lâu dài, hướng tới nỗ lực hạn chế tác động tiêu cực của các mối đe dọa ảnh hưởng đến việc củng cố và phát triển du lịch đô thị bền vững, tạo ra dịch vụ du lịch có tính cạnh tranh.

Phân tích về trường hợp Zurich – thành phố lớn nhất và giàu nhất của Thụy Sĩ, Tiến sĩ Vũ Nam, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, thành phố này luôn tiên phong trong xây dựng các tiêu chí, hành động cụ thể để phát triển du lịch bền vững. Năm 2022, khi đại dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trên toàn thế giới, hoạt động du lịch bắt đầu nhộn nhịp trở lại, Zurich đã ban hành Chiến lược phát triển du lịch bền vững của thành phố giai đoạn 2022-2026 với tên gọi “Zurich takes Responsibility” (Zurich có trách nhiệm). Chiến lược tập trung vào việc triển khai một số hoạt động như: Thực hiện chiến dịch “Cause We care” (Vì chúng tôi quan tâm) khuyến khích khách du lịch tham gia vào các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường; tổ chức các tour tham quan thành phố miễn phí cho người nhập cư để nâng cao nhận thức của họ về các chính sách, mục tiêu của thành phố liên quan phát triển bền vững, bảo đảm những người này có nhận thức tiêu chuẩn của một công dân Zurich bản địa; thực hiện chiến lược đa dạng và hòa nhập khuyến khích các cam kết xã hội trong thực hiện các mục tiêu về du lịch bền vững; thành lập Ban nội bộ gồm đại diện các phòng, ban Cục du lịch thành phố, đại diện các điểm đến của thành phố để quản lý, đối thoại về phát triển du lịch bền vững… Đây có thể xem là những bài học tham khảo có giá trị cho các đô thị du lịch của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Vũ Nam, Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững đã đưa ra chỉ đạo xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”. Tuy nhiên, ngành du lịch cần xác định và xây dựng chương trình tổng quát và rộng hơn, tầm nhìn xa hơn về phát triển du lịch bền vững, có thể đến năm 2030 như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, trong đó xác định, du lịch bền vững đô thị là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình.

Tiến sĩ Vũ Nam đề xuất, cần xây dựng một chương trình chứng nhận du lịch bền vững chung ở cấp quốc gia. Chương trình này sẽ phát triển và áp dụng chứng nhận khác nhau ở các cấp độ khác nhau cho các thành phần của ngành du lịch như điểm đến, doanh nghiệp, sản phẩm, nhân lực du lịch, đô thị du lịch bền vững… Đây sẽ là công cụ để hướng dẫn, quản lý, khuyến khích phát triển du lịch bền vững ở các đô thị của Việt Nam.



[ad_2]

Du thuyền 5 sao Hạ Long