Khám phá mùa vàng và săn mây ở Hòa Bình

[ad_1]

Đến Hòa Bình vào mùa thu, Phạm Tú đã được chiêm ngưỡng mùa vàng ở bản Lác và biển mây trắng vắt ngang lưng chừng núi ở Hang Kia – Pà Cò.

Hòa Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc, gây ấn tượng với du khách bởi thắng cảnh đa dạng từ sông, hồ, suối khoáng, vườn quốc gia và bản sắc văn hóa người dân tộc H”Mông, Mường, Dao, Thái…

Ngày 15/10, Phạm Tú (29 tuổi, Hà Nội), một du khách đam mê nhiếp ảnh đã thực hiện chuyến đi khám phá Hòa Bình cùng bạn bè, qua các điểm đèo Đá Trắng, bản Lác, Hang Kia – Pà Cò.

Từ trung tâm TP Hà Nội, Tú và nhóm bạn di chuyển bằng xe máy qua đại lộ Thăng Long đến Hòa Bình với quãng đường khoảng 150 km. Trên đường di chuyển qua TP Hòa Bình, du khách có thể mua vé tham quan đập thủy điện Hòa Bình. Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á được hoàn thành vào năm 1994.

Du khách có thể mua vé, giá 50.000 đồng để tham quan tổ hợp công trình hoặc 20.000 đồng tham quan công trình hở, hoặc mua vé du thuyền trên lòng hồ Hòa Bình với giá dao động 1,5 – 2 triệu đồng một chuyến trong hai tiếng.

Qua đập thủy điện khoảng 50 km đến đèo Đá Trắng, cả nhóm dừng chân ở trạm nghỉ. Điểm đặc trưng dễ nhận biết của đèo Đá Trắng là mỏm đá có cắm lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới để du khách check in. Ở đây cũng phục vụ các dịch vụ ăn uống.

Địa điểm thứ hai nhóm anh Tú tìm đến là bản Lác nằm trong thung lũng Mai Châu. Đây là bản làng cổ có tuổi đời hơn 700 năm hiện vẫn giữ được nét nguyên sơ cùng nếp sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, theo trang web Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Thời điểm Tú đến, những cánh đồng lúa hai bên đường dẫn vào bản đã chín vàng, được bao bọc bởi những rặng núi xanh. Không gian thanh bình thích hợp cho đạp xe đi dạo, ngắm cảnh.

Tại đây có dịch vụ thuê xe đưa đi tham quan quanh bản với giá 400.000 đồng một chuyến cho 8 người hoặc 600.000 đồng với 12 người. Dịch vụ ăn uống dao động khoảng 600.000 – 800.000 đồng một mâm cho 6 người và có nhiều hàng quán để du khách lựa chọn, anh Tú cho biết.

Du khách có thể tham quan và mua sắm các đồ thủ công mỹ nghệ nhiều chủng loại, đa dạng mẫu mã do người dân sản xuất như áo, váy, mũ, túi, ví, gấu bông, cung tên, nỏ, sáo trúc, mõ trâu, chiêng, tù và, sừng trâu. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể trực tiếp trải nghiệm dệt vải, tham gia các hoạt động múa hát, nhảy sạp, đốt lửa trại vào buổi tối của người dân bản.

Rời bản Lác, nhóm anh Tú đến địa điểm hào hứng được khám phá nhất là thung lũng Hang Kia – Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) nằm giữa bốn bề núi đá, quanh năm mây mù bao phủ. Nằm cách Hà Nội khoảng 200 km, Hang Kia và Pà Cò là hai xã thuộc huyện vùng cao Mai Châu, là nơi lưu giữ nét văn hóa đặc trưng cũng như các nghề truyền thống của người Mông như dệt thủ công, thêu thùa thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn, theo trang web Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Đường tới điểm săn mây ở Hang Kia thuận tiện, có thể di chuyển bằng xe máy và ôtô.

Hang Kia – Pà Cò nằm ở giữa dải núi Xà Lĩnh và Lương Xa, với độ cao trung bình khoảng 900 m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ. Đến đây, du khách thường tìm đến khu vực cổng trời để săn mây.

“Biển mây ở Hang Kia sẽ thấp hơn tầm nhìn nên có cảm giác như mình đang đứng trên mây”, anh Tú nói. Những lớp mây nằm ở lưng chừng như tấm vải trắng của thiên nhiên căng giữa hai dãy núi, trải dài vô tận.

Hiện đang bước vào mùa săn mây ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vì vậy lớp mây lên dày và trải rộng hơn. So với các địa điểm săn mây nổi tiếng khác như Tà Xùa, Y Tý, Hà Giang, Hang Kia – Pà Cò “khá yên bình, chưa nhiều khách du lịch, có thể thoải mái lựa chọn góc chụp để thu hết sự hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên trong từng tấm hình”, anh Tú chia sẻ.

Mỗi mùa, Hòa Bình đều mang những vẻ đẹp riêng. Mùa thu là thời điểm xuất hiện những cánh đồng lúa chín vàng, những biển mây trắng xóa. Thức quà của mùa đông Hòa Bình là những trái hồng đỏ đung đưa dưới những cành khô trụi lá. Mùa xuân là những vạt rừng phủ trắng hoa mơ, hoa mận hay sắc hồng của hoa đào. Còn mùa hè là lúc thưởng thức những trái đào, mận chín đỏ trên cây, theo trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình.

Ðến với Hang Kia – Pà Cò, bên cạnh cung đường khám phá bản làng, du khách có thể đặt chân tới những điểm đến còn giữ được vẻ hoang sơ như đồi chè, vườn mận khu Tà Xông A, khu Tà Xồ, Thung A Láng.

Một số địa điểm lý tưởng khác để săn mây ở Hang Kia – Pà Cò là cung đường Pà Khôm đi Thung Mài hoặc trên đỉnh núi Sảm Thà, nơi có thể phóng tầm mắt ngắm đỉnh Pù Luông (Thanh Hóa) và đỉnh Pha Luông (Sơn La).

“Hòa Bình là một điểm du lịch thích hợp để trải nghiệm cho những du khách thích sự dân dã, nhẹ nhàng, chậm rãi”, anh Tú nhận xét sau chuyến đi. Các điểm du lịch ở Hòa Bình chưa bị thương mại hóa nhiều, cảnh sắc thiên nhiên và con người còn giữ được sự gần gũi, bình dị.

“Hiện thời tiết ở Hòa Bình ban ngày ấm áp nhưng đêm và sáng sớm khá lạnh, nên mang theo quần áo ấm và chuẩn bị sức khỏe tốt để có thể khám phá hết cảnh sắc thiên nhiên mùa thu của Hòa Bình”, anh Tú nói.



[ad_2]

Du thuyền 5 sao Hạ Long