Khám phá làng cổ hình chóp biệt lập giữa núi rừng ở Indonesia
[ad_1]
Tài đã có một đêm ở làng Wae Rebo hơn 100 năm tuổi, nơi duy nhất còn những ngôi nhà hình chóp truyền thống của Indonesia.
Ngôi làng truyền thống Wae Rebo ở quận Manggarai trên đảo Flores, phía đông Nusatenggara, nhận được Giải thưởng Xuất sắc hàng đầu của UNESCO trong Giải thưởng Di sản Châu Á Thái Bình Dương của UNESCO năm 2012. Ngôi làng tái hiện những ngôi nhà Mbaru Niang truyền thống và hiện là ngôi làng duy nhất còn giữ được kiến trúc này ở Indonesia.
Theo trang web của Bộ Du lịch Indonesia, ngôi làng được một người đàn ông tên Empu Maro xây dựng khoảng hơn 100 năm trước. Ngày nay cư dân là con cháu các thế hệ sau của ông.
Đặt chân đến ngôi làng vào ngày 13/9, travel blogger Tài Phạm (28 tuổi, TP HCM) ấn tượng với “sự khác biệt, độc đáo và tĩnh lặng của ngôi làng”. Mặc dù đã xem hình ảnh một người bạn Indonesia gửi, anh vẫn không khỏi bất ngờ khi được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm cuộc sống ở đây trong hai ngày.
Là một ngôi làng nhỏ nằm ở độ cao khoảng 1.100 m so với mực nước biển, Wae Rebo được bao bọc bởi những ngọn núi và khu rừng Todo rậm rạp, tách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. Làng không có sóng điện thoại hay wifi và điện chỉ được phát từ 18h đến 22h. Bù lại, Tài được tận hưởng sự trong lành, lắng nghe tiếng chim rừng hót và hòa mình vào nhịp sống chậm rãi, bình dị của những người dân bản địa.
Việc đầu tiên những du khách như Tài phải làm là vào chào già làng để già làng làm lễ chào mừng, nhận những lời phước lành. Sau đó anh được thưởng thức ly cà phê được làm từ hạt cà phê người dân trồng quanh làng. Kết thúc nghi lễ, anh tự do đi tham quan, ngắm cảnh và chụp hình.
Tài đã được chào đón ở ngôi nhà chính và lớn nhất làng. Đây là ngôi nhà cộng đồng, nơi dân làng tập hợp để thực hiện các nghi lễ, lễ hội. Trong nhà cất giữ vật gia truyền của các gia đình là cồng chiêng và trống. Đa phần người dân trong làng theo đạo Công giáo nhưng vẫn tuân theo những tín ngưỡng cũ.
Những ngôi nhà ở Wae Rebo được gọi là Mbaru Niang, hình nón, có chóp cao và được bao phủ bằng lá lontar, loài cọ mọc phổ biến tại Indonesia. Ngôi nhà có 5 tầng, mỗi tầng được thiết kế cho một mục đích cụ thể. Tầng đầu tiên, được gọi là lutur hoặc lều, là nơi sinh sống của đại gia đình. Tầng thứ hai, được gọi là lobo, hay gác mái, được dành để dự trữ lương thực và hàng hóa. Tầng thứ ba là lentar để dự trữ hạt giống cho vụ thu hoạch tiếp theo. Tầng thứ 4 là lempa rae, dùng để dự trữ lương thực trong trường hợp hạn hán. Tầng thứ 5 là hekang kode, được coi là nơi thiêng liêng nhất, dùng để cúng tổ tiên.
Nhìn bao quát, những ngôi nhà hình chóp xếp thành hình chữ V, khoảng trống ở giữa là sân chung để người dân sinh hoạt. “Lúc bình minh, mặt trời từ từ nhô lên sau vách núi và chiếu những tia sáng đầu tiên, phủ xuống làng một màu vàng”, Tài miêu tả “khoảnh khắc đẹp nhất” tại đây.
Người dân nơi đây cho biết trước đây có hơn 1.000 người sinh sống tại làng nhưng hiện chỉ khoảng 100 người. Người trẻ xuống núi lập nghiệp, trong làng đa phần chỉ còn lại trẻ em và người lớn tuổi.
Ở căn nhà cộng đồng có 8 hộ dân sinh sống, mỗi hộ ở một phòng. “Cũng như các vùng khác, người dân đều thân thiện, niềm nở và nồng hậu với khách du lịch”, Tài nhận xét.
Người dân tại làng trồng cà phê, vani, quế, một số loại trái cây và mang đi bán tại chợ cách làng khoảng 15 km. Khoảng 20 năm trước, chính quyền địa phương đã hỗ trợ phát triển làng Wae Rebo như một điểm đến du lịch và hiện du lịch trở thành nguồn thu nhập chính của người dân.
Do nằm biệt lập và bao quanh bởi núi rừng, Wae Rebo có không khí lạnh hơn bên ngoài, du khách nên mang theo áo ấm vì đêm xuống nhiệt độ giảm sâu. Đồ ăn của người dân đa phần chỉ có cơm và trứng, du khách nên chuẩn bị thêm một số đồ ăn nhẹ như socola, bánh, kẹo ăn trên đường hoặc phòng khi không hợp đồ ăn, Tài chia sẻ. Anh đặc biệt lưu ý ở gần nhà của già làng có một tảng đá có ý nghĩa linh thiêng với dân làng, du khách tuyệt đối không trèo hoặc ngồi lên.
Để đến được làng, Tài di chuyển từ Bali đến sân bay LaBuan Bajo. Từ đây du khách có thể đi xe máy hoặc ôtô, tuy nhiên nên di chuyển xe máy để thuận tiện, mất thêm khoảng 15 – 20 phút. Sau khi hết đường xe máy, Tài tiếp tục trek thêm khoảng 2 – 2,5 giờ để đến được ngôi làng. “Đoạn đường leo núi không quá khó khăn, chỉ cần chuẩn bị trang phục phù hợp và đi giày có độ bám dính tốt”, Tài nói.
Bởi vì sự biệt lập của ngôi làng, du khách phải ở lại đây qua đêm. Đây là một yếu tố làm hạn chế số lượng khách du lịch, tuy nhiên, “bình minh ở Wae Rebo sẽ không làm bạn thất vọng”, Tài nói. Chi phí cho chuyến của Tài là khoảng 2.700.000 VNĐ, bao gồm xe di chuyển từ Labuan Bajo đến làng Wae Rebo, ăn uống và chỗ ngủ trong suốt hành trình. Nếu đi tự túc, tiền vé vào cổng, chỗ ngủ qua đêm và một bữa tối và bữa sáng là 300 IDR (khoảng 470.000 VNĐ).
Du khách nên đến tham quan làng Wae Rebo vào mùa khô, khoảng tháng 4 – 10 để tận hưởng cảnh quan xanh tươi của vùng núi cao Manggarai và tránh những cơn mưa dông lớn thường xảy ra ở khu vực đồi núi vào khoảng cuối năm.
Tại Wae Rebo, trong ngày, du khách có thể khám phá thung lũng, giao lưu với dân làng. Vào ban đêm, “bầu trời đầy sao khiến khung cảnh nơi đây thêm phần lung linh, huyền ảo”, Tài nói.
[ad_2]
Du thuyền 5 sao Hạ Long