Hứa hẹn nhiều hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch mới

[ad_1]

Theo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch Quảng Ninh năm 2024 của tỉnh, Quảng Ninh dự kiến có tổng số 62 sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch trong năm nay, với nhiều sản phẩm hứa hẹn sức hấp dẫn cao.

Du lịch biển đảo chiếm ưu thế

Với lợi thế về đường bờ biển dài, hệ thống đảo phong phú, trong đó có nhiều đảo lớn, cảnh quan đẹp và đông dân cư sinh sống nên việc phát triển mạnh các sản phẩm du lịch biển, đảo mới cũng là điều dễ hiểu. Điều này cũng được xác định trong Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch Quảng Ninh năm 2024, với trọng tâm mở rộng không gian du lịch tại khu vực Vịnh Bái Tử Long và các khu vực biển đảo trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024, dự kiến du khách sẽ được tham quan bằng tàu du lịch theo hành trình Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long – Vịnh Hạ Long. 

Theo đó, khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long có 11 sản phẩm du lịch mới thì 2 sản phẩm tàu tham quan, lưu trú du lịch trên 2 vịnh và khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long và các tuyến du lịch tham quan, lưu trú trên Vịnh Bái Tử Long hứa hẹn nối dài hành trình tham quan của du khách sang khu vực Vịnh Bái Tử Long có diện tích lớn hơn, cảnh quan sóng nước mênh mông với những đảo đất xen kẽ đảo đá, hệ thống hang động, rừng cây, suối, thác nước, nhất là rừng ngập mặn có nhiều nét độc đáo, khác biệt với khu vực Vịnh Hạ Long. Năm 2023 vừa qua, Bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên khánh thành với cơ sở hạ tầng hiện đại, đã gia tăng cơ hội kết nối du lịch với vùng vịnh rộng lớn, giàu tiềm năng này.

Trên Vịnh Hạ Long, các sản phẩm trải nghiệm, hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước cũng mở rộng tại nhiều khu vực với những hình thức đa dạng, sinh động, hấp dẫn, như: Thuyền buồm, kayak, xuồng cao tốc, tắm biển và tổ chức các dịch vụ bãi biển trên các bãi cát tự nhiên ven những rặng núi đá của di sản này, tham quan các di chỉ khảo cổ, trải nghiệm văn hoá, cuộc sống của ngư dân, nuôi cấy, chế tác ngọc trai, câu cá, đánh cá với ngư dân, chèo thuyền rồng, du thuyền kết hợp đám cưới…

Vẻ đẹp độc đáo của rừng ngặp mặn trên đảo Cái Lim, Vườn quốc gia Bái Tử Long (Vân Đồn).

Trong số này, rất nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp du lịch cũng như du khách mong chờ lâu nay, đơn cử như sản phẩm thư giãn tắm biển và tổ chức các dịch vụ bãi biển trên các bãi cát tự nhiên trên Vịnh Hạ Long. Theo đề xuất, sản phẩm sẽ được tổ chức tại điểm tham quan làng chài Vung Viêng, bãi cát Hòn Bọ Hung và khu vực điểm tham quan Hang Cỏ, bãi tắm thuộc tuyến tham quan số 4 trên Vịnh Hạ Long.

Cùng với sản phẩm này, các sản phẩm cho du khách trải nghiệm đánh cá, câu cá cùng ngư dân, một ngày ở làng chài Vung Viêng, tham quan tuyến 4 bằng xuồng cao tốc đều khai thác trong phạm vi tuyến tham quan số 4 là tuyến xa, trước nay thu hút chủ yếu là du khách nghỉ đêm và khách quốc tế. Như vậy, khi được hiện thực hoá, các trải nghiệm cho du khách cao cấp, khách quốc tế sẽ gia tăng đáng kể.

Khu vực ven bờ vịnh trên địa bàn TP Hạ Long dự kiến cũng có 9 sản phẩm mới, như: Phố đi bộ phong cách Hàn Quốc, tổ hợp vui chơi, giải trí Ngọn Hải Đăng, phà Bãi Cháy xưa – nay, phiên chợ đồ cũ “Ký ức xưa”, phố đi bộ Hải Long, tham quan khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Tuần Châu, tổ hợp vui chơi, giải trí Kim Cương tại Tuần Châu, du lịch cộng đồng tại các xã vùng cao… Các sản phẩm này hứa hẹn độ hút khách đáng kể, có thể phục vụ đa dạng đối tượng du khách khi đến với Hạ Long.

Du khách đến Cô Tô năm nay có thể trải nghiệm ứng dụng công nghệ thực tế ảo 360 độ tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo.

Nối tiếp khu vực Hạ Long là huyện Vân Đồn có tới 14 sản phẩm dự kiến phát triển trong năm nay, khai thác các thế mạnh tự nhiên về biển, đảo, sinh thái trên địa bàn. Các khu nghỉ dưỡng lớn nơi đây cho thấy sự vượt trội về số lượng sản phẩm du lịch mới. Trong đó, khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn có 4 sản phẩm nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ, thể thao ngoài trời và bãi biển, khu cắm trại, tiệc cưới ngoài trời, du lịch MICE; khu nghỉ dưỡng Angsana Quan Lạn có 2 sản phẩm du lịch MICE và du lịch biển – nghỉ dưỡng tại đảo.

Bên cạnh đó là các điểm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại xã Bản Sen, Minh Châu, Quan Lạn, Vạn Yên, Hạ Long, Đông Xá, Đoàn Kết. Huyện Cô Tô cũng có 7 sản phẩm, trong đó thôn Đảo Trần được ví như “Trường Sa vùng Đông Bắc” lần đầu có tour du lịch hành trình vì biển đảo quê hương rất ý nghĩa. Bên cạnh đó là sản phẩm vui chơi kết hợp ngắm hoàng hôn trên bãi biển Tình Yêu, cắm trại đêm tại Thanh Lân, tham quan đảo 7 sao, đạp xe trải nghiệm Cô Tô đêm, du lịch chữa lành và sản phẩm du lịch thực tế ảo tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo.

Tính khả thi cao

Các địa phương khác dự kiến phát triển những sản phẩm có tính khả thi cao, như: Sân golf, không gian bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc Tày tại Quảng Ninh Gate, điểm vui chơi giải trí dịch vụ du lịch Tân Việt Bắc (TX Đông Triều); du lịch sinh thái Khe Song – Thác Bạc, Nhà trưng bày không gian văn hoá đồng bào dân tộc Dao Thanh Y (TP Uông Bí); tham quan Khu di tích Bác Hồ tại mỏ than Đèo Nai (TP Cẩm Phả). Các huyện Tiên Yên, Ba Chẽ có 3 sản phẩm chợ phiên văn hoá vùng cao tại xã Hà Lâu, Lương Mông, Đạp Thanh.

Điểm vui chơi giải trí dịch vụ du lịch Tân Việt Bắc (TX Đông Triều) là sản phẩm du lịch mới, thu hút nhiều du khách tới trải nghiệm, vui chơi, check in… 

Huyện Bình Liêu có sản phẩm du lịch đi bộ xuyên rừng, thể thao bóng đá nữ. Đầm Hà có 2 sản phẩm trải nghiệm cảnh quan rừng nguyên sinh gắn với nghỉ dưỡng, phố ẩm thực đêm, chợ phiên Ba nhất. Hải Hà có 3 sản phẩm tham quan đồi chè Quảng Long, chèo kayak, tàu du lịch và tour xe điện tham quan đảo Cái Chiên. Thành phố địa đầu Móng Cái có 4 sản phẩm: Đạp xe xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, vui chơi giải trí tại bãi biển Trà Cổ, du lịch cộng đồng tại xã Bắc Sơn và tuyến phố đi bộ mới tại phường Trần Phú, Hải Hoà.

Điểm qua các sản phẩm du lịch mới năm nay cho thấy mức độ hấp dẫn khác nhau, phù hợp với nhu cầu của nhiều dòng khách đến với Quảng Ninh. Và các sản phẩm cũng đáp ứng mục tiêu của Kế hoạch tỉnh đặt ra, đó là đa dạng hoá sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khai thác tối đa tiềm năng du lịch 4 mùa, gia tăng thêm trải nghiệm cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách, hạn chế ảnh hưởng bởi mùa vụ du lịch. Qua đó góp phần từng bước đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến “Kỳ quan 4 mùa” trong phát triển du lịch của cả nước.

Du khách vui chơi, chụp ảnh tại đồi chè Quảng Long (Hải Hà). Ảnh: Công Thành (CTV)

Tuy nhiên, với danh mục 62 sản phẩm du lịch mới này chủ yếu mang tính chất định hướng để phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá. Hiện nay, một số sản phẩm đã và đang được các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương đầu tư, có thể đi vào khai thác ngay hoặc trong thời gian không xa, nhưng với nhiều sản phẩm thì việc hiện thực hoá còn là một quá trình.

Giống như 38 sản phẩm du lịch mới của năm 2023, không ít sản phẩm mới năm nay cũng liên quan tới các quy hoạch về giao đất, mặt nước, tài nguyên rừng theo quy hoạch của tỉnh và các địa phương, kế hoạch sử dụng đối với hoạt động du lịch, các thủ tục đầu tư khu neo đậu, khu vực vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, các tuyến luồng đường thuỷ kết nối. Bên cạnh đó là các quy định pháp lý liên quan đến khai thác các tuyến đi bộ, sản phẩm du lịch thể thao, sản phẩm du lịch kết hợp các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá, biểu diễn nghệ thuật…

Chính vì vậy, để gia tăng tính khả thi cho các sản phẩm, thiết nghĩ rất cần sự đồng hành, phối hợp tích cực giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp du lịch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phát triển 62 sản phẩm du lịch mới kể trên.



[ad_2]

Du thuyền 5 sao Hạ Long