Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và bài học dự báo
[ad_1]
Sau 10 tháng của năm 2023, du lịch Việt Nam thay đổi mục tiêu đón khách quốc tế cả năm 2023 từ 8 triệu lên 12,5-13 triệu lượt khách (gấp 1,5 lần so với mục tiêu ban đầu), cho thấy thành quả của những nỗ lực phục hồi mạnh mẽ.
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục giành nhiều giải thưởng của Tổ chức du lịch thế giới (trong đó, lần thứ tư Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ năm được bình chọn là “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”). Song, ngành du lịch Việt cũng rút ra được một bài học sâu sắc về công tác dự báo.
Nỗ lực phục hồi mạnh mẽ
Năm 2023, lần đầu tiên trong một năm Thủ tướng Chính phủ chủ trì hai hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam (ngày 15/3 và 15/11). Hai hội nghị đã khẳng định những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; nêu những thách thức chính của du lịch Việt Nam và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam.
Tháng 5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Sau đó, ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành hai Nghị quyết (127 và 128/NQ-CP) về thực hiện cấp thị thực (visa) điện tử và nâng thời gian tạm trú lên 45 ngày đối với công dân 13 nước được đơn phương miễn thị thực.
Ngay từ đầu năm, các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch; đồng thời cũng giới thiệu sản phẩm mới nhằm thu hút du khách quốc tế mùa cao điểm cuối năm (nổi bật là Hà Nội lần đầu ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm, phát triển sản phẩm du lịch đêm đa dạng, đặc sắc, bền vững, có giá trị gia tăng cao)…
Và kết quả là, sau 11 tháng, tổng số khách quốc tế đến nước ta đạt trên 11,2 triệu lượt (gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); lượng khách nội đạt 103,2 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 628,3 nghìn tỷ đồng… Riêng tháng 11/2023, thị trường châu Âu có mức tăng trưởng tốt nhất trong các châu lục (tăng 58,5% so với tháng 10/2023).
Kết quả này là nhờ chuyển biến tích cực của xu hướng du lịch trên thế giới, đặc biệt là nhờ cú huých từ Nghị quyết 82 của Chính phủ (ban hành tháng 5/2023) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và chính sách mới về thị thực (visa) rất cởi mở, thông thoáng (kể từ ngày 15/8/2023) đã tháo gỡ những điểm nghẽn về xuất, nhập cảnh đối với khách quốc tế.
Do mục tiêu ban đầu đặt ra cho cả năm 2023 (đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế) đã đạt được chỉ sau 9 tháng, du lịch Việt Nam đã thay đổi mục tiêu đón khách quốc tế cả năm 2023 từ 8 triệu lên 12,5-13 triệu lượt khách (gấp 1,5 lần so với mục tiêu ban đầu). Tháng 12/2023 có nhiều kỳ nghỉ lễ lớn hứa hẹn tạo đột phá cho du lịch Việt Nam đạt được mục tiêu mới.
Hình ảnh du lịch Việt Nam tiếp tục được quốc tế đánh giá cao. Du lịch Việt Nam đạt nhiều giải thưởng của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2023 (trong đó, lần thứ tư Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ năm được bình chọn là “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”). Cùng với danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2023”, Việt Nam còn có các điểm đến cấp địa phương cũng được trao tặng hạng mục giải thưởng:
Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023”; Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) giành danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”; Mộc Châu (Sơn La) được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023”; Hà Nam giành giải thưởng “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đạt danh hiệu “Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023…
Và theo công bố mới đây của Travel Lemming – website hướng dẫn du lịch trực tuyến, Đảo ngọc Phú Quốc của Việt Nam đứng ở vị trí thứ sáu trong 50 điểm đến du lịch hàng đầu năm 2024. Travel Off Path (chuyên trang du lịch nổi tiếng của Mỹ) cũng có bài viết nêu lý do Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến được yêu thích của những tín đồ “du mục kỹ thuật số” với chính sách thị thực thông thoáng.
Hiệu quả từ bài học dự báo
Cần phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành du lịch là: Việc phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa-lịch sử; chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng sản phẩm du lịch còn hạn chế, chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ chúng ta có mà chưa chú trọng đáp ứng sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần…
Trong đó, việc hoạch định chiến lược về thị trường, đối tác còn hạn chế, chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động của tình hình du lịch thế giới, khu vực. Công tác quản lý du lịch chưa chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả; còn tồn tại nhiều vấn đề về công khai, minh mạch, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh, môi trường…
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cho rằng, cần mạnh mẽ đặt ra những con số “vượt trội” cho mục tiêu đón khách quốc tế năm 2024, bởi năm 2023, chúng ta đã phải điều chỉnh mục tiêu từ 8 triệu lên 12-13 triệu khách. Vì thế, năm 2024, ngành du lịch cần đặt ra những con số cao hơn hẳn, chẳng hạn như 17-18 triệu khách.
Đó có thể là những con số lớn, đòi hỏi các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành cùng chung tay, vào cuộc để hiện thực hóa. Đặt con số cao ngay từ đầu năm, cũng là cách để các địa phương ngay từ đầu năm đã phải tăng tốc, chứ không đủng đỉnh và chờ đợi đến hết quý I mới “khởi động”. Trước mắt, mục tiêu đón khách quốc tế năm 2024 tới, không chỉ là đặt con số ở mức 12-15 triệu lượt khách, mà cần nỗ lực hướng đến con số cao hơn (18-20 triệu khách).
Đặt mục tiêu cao mới có thể mang lại cơ hội đột phá, kèm theo là việc xây dựng chính sách và động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Vẫn biết, mục tiêu ngành du lịch Việt Nam đặt ra trong giai đoạn 2022-2026, là đến năm 2026, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt (tăng 20% so với năm 2025). Tuy nhiên, nếu nhìn thấy cơ hội, khả năng thì cần tăng tốc, thậm chí bứt tốc, để bù lại thời gian du lịch Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh.
Tất nhiên, việc tính toán để đưa ra mục tiêu đón khách du lịch quốc tế phải dựa vào nhiều yếu tố. Và chỉ một yếu tố thay đổi cũng khiến kết quả dự báo không sát. Ngay từ đầu năm 2023, Thái Lan đã tăng mục tiêu đón khách quốc tế từ 10 triệu lên 30 triệu lượt khi thấy các điều kiện thuận lợi. Vì vậy, việc Việt Nam mãi tới tháng 10/2023 mới điều chỉnh tăng mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 là hơi chậm và công tác dự báo chưa sát. Bài học rút ra là phải tăng cường nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và phản ứng chính sách nhanh, phù hợp.
Trong giai đoạn phát triển mới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%. Đây là chỉ tiêu cao, không dễ đạt được, bởi vậy cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, sáng tạo, phản ứng kịp thời, linh hoạt, phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể.
Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức lớn với du lịch Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận và cách làm mới để phát triển du lịch.
Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ; phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số; chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có vì khách du lịch ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi ngày càng cao hơn về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo; cần chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần”; phát triển từ du lịch “một mùa” sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách…
Còn nhớ năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt du khách quốc tế thì Thái Lan đón 40 triệu lượt; năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu là 8 triệu lượt thì họ đã đón hơn 25 triệu lượt. Trong dài hạn, mục tiêu năm 2030, Việt Nam đặt ra là đón 35 triệu lượt du khách quốc tế, thì Thái Lan đến năm 2027 đã đặt mục tiêu 80 triệu lượt. Nếu như không có các giải pháp đột phá từ bây giờ, Việt Nam sẽ luôn “về sau”.
Định hướng phát triển xuyên suốt của du lịch Việt Nam đã được xác định trong Nghị quyết 82 của Chính phủ là: “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 82 của Chính phủ với phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”, để du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và cất cánh.
[ad_2]
Du thuyền 5 sao Hạ Long