Du lịch Đông Triều tìm hướng đi mới
[ad_1]
Vùng đất Đông Triều cho du khách ấn tượng về các điểm đến du lịch văn hoá tâm linh, du lịch đồng quê, sinh thái, trải nghiệm. Chững lại vào quãng thời gian dịch Covid-19 lây lan, giờ đây, việc tìm hướng đi mới để phục hồi và phát triển đang là bài toán đòi hỏi sự chung tay của địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Có nhiều nét khởi sắc
Đông Triều hiện có 4 tuyến, 15 điểm du lịch địa phương đã được công nhận. Một trong những điểm sáng nơi đây là Khu du lịch Quảng Ninh Gate (Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà). Quảng Ninh Gate có diện tích hơn 20ha, đã được doanh nghiệp đầu tư trở thành một tổ hợp vui chơi, giải trí, trải nghiệm phong phú gắn với sản xuất rượu sồi, chuỗi nhà hàng ẩm thực và khách sạn cao cấp phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.
Thời gian vừa qua, mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đưa vào vận hành hệ thống resort 4 sao đầu tiên trên địa bàn, hướng đến nhóm dịch vụ cao cấp. Nhằm thu hút những dòng khách khác nhau về với Quảng Ninh Gate, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã đưa vào hoạt động 3 sản phẩm mới tại đây là khu sinh thái trải nghiệm Đảo Tím, khu cầu kính bắc ngang Công viên nước với view bao quát khuôn viên từ trên cao và Bảo tàng thiên nhiên thế giới lần đầu tiên xuất hiện tại TX Đông Triều.
Quảng Ninh Gate cũng là đơn vị tiên phong phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm theo hướng “Chơi mà học, học mà chơi”, đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông hiện nay, thu hút đông đảo học sinh các trường phổ thông ở khu vực phía Bắc. Cách làm này cũng hướng tới thu hút khách suốt 4 mùa trong năm.
Chị Hoàng Hải Anh, Giám đốc Marketing Khu du lịch Quảng Ninh Gate, cho biết: Tháng 4 vừa qua, đơn vị đã ký kết với Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) về việc chuyển giao liên kết chuyên sâu hơn nữa về nội dung, lộ trình trải nghiệm cho học sinh. Đây là một hợp tác vô cùng hứa hẹn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực trải nghiệm giáo dục. Chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng những chương trình trải nghiệm rất chuyên sâu, có ý nghĩa giáo dục cao cho học sinh các cấp…
Giàu tiềm năng, thế mạnh của một vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh xen kẽ với những khu đô thị, công nghiệp lâu đời, thời gian gần đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cũng tìm tòi những hướng đi mới từ khai thác lợi thế này của địa phương nhằm thu hút du khách. Đơn cử như mô hình thí điểm liên kết giữa Công ty TNHH Han Nong (Hàn Quốc) với 4 hộ dân tại thôn Tân Thành của xã Việt Dân, xã nông thôn mới kiểu mẫu của Đông Triều.
Theo đó, thôn Tân Thành sẽ là một điểm dừng chân trong hành trình tour giữa Hà Nội – Hạ Long – Uông Bí – Đông Triều, để du khách tham quan các loại cây trái, vườn tược cũng như tập tục canh tác nông nghiệp của người dân và thưởng thức các loại trái cây ngay tại vườn theo xu hướng “mùa nào thức nấy”… Mô hình này hướng tới dòng khách Hàn Quốc, cũng là một dòng khách chủ lực của Quảng Ninh, hiện đang ở giai đoạn khởi động bước đầu.
Ở khu vực Mạo Khê có thể kể tới khu thể thao, vui chơi giải trí Tân Việt Bắc (Công ty CP 188). Trên diện tích 4,2ha, đơn vị phát triển đa dạng loại hình dịch vụ từ ăn uống, vui chơi cho trẻ em, golf, bể bơi, nhà đa năng… Gần đây, đơn vị tiếp tục cải tạo khu cà phê check-in với nhiều loại tiểu cảnh, cây xanh, hoa tươi đẹp mắt phục vụ nhu cầu vui chơi, thưởng lãm, check-in của du khách. Đơn vị cũng dự kiến tổ chức các mini show theo tuần/tháng tạo sân chơi mới cho người dân địa phương, du khách.
Hiện thực hoá mục tiêu này, vào đầu tháng 12 vừa qua, doanh nghiệp đã tổ chức show ca nhạc đầu tiên với giọng ca trẻ Văn Mai Hương, là thần tượng được yêu mến của nhiều bạn trẻ hiện nay, thu hút lượng khách tương đối đông đảo, hứa hẹn mở ra cơ hội khai thác một dòng sản phẩm du lịch mới ở khu vực này.
Làm sao để bứt phá?
Theo thống kê của TX Đông Triều, những năm gần đây, địa phương đón bình quân từ 600.000 – 700.000 lượt khách/năm, bao gồm cả 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giai đoạn ngay trước dịch, Đông Triều đón 1,2 triệu lượt khách/năm. Năm 2023 này, du lịch của thị xã cũng cho thấy đang từng bước phục hồi, với số lượt khách ước đạt trên 1 triệu lượt, mức chi tiêu trung bình của khách có sự khởi sắc, đạt từ 400.000 – 450.000 đồng/người.
Con số này so với các trung tâm du lịch lớn của tỉnh vẫn còn khiêm tốn nhưng cũng cho thấy địa phương, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư cơ sở hạ tầng, các sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm để thu hút du khách trở lại.
Mục tiêu của thị xã là vào năm 2025 thu hút 1,2-1,5 triệu lượt khách, vào năm 2030 con số này là 1,5-2,5 triệu lượt. Đây là những con số không quá cao, tuy nhiên, với tiềm năng, thế mạnh của mình, nhiều chuyên gia cho rằng du lịch Đông Triều có thể có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Hiện nay, địa phương chủ yếu chỉ tập trung khai thác mạnh về tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái trải nghiệm; khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa chủ yếu là vào các tháng đầu xuân, thể hiện rõ nét tính thời vụ trong du lịch.
Một lợi thế của địa phương là sở hữu Quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần với 14 điểm di tích rất đặc sắc, như: Chùa Quỳnh Lâm – chốn tổ của Phật giáo, có lịch sử trải dài cả nghìn năm cho tới nay; đền An Sinh, nơi thờ bát vị hoàng đế nhà Trần; Thái Miếu – nơi thờ tự của hoàng tộc nhà Trần; hệ thống lăng mộ các vua Trần. Và trên đỉnh Bảo Đài sơn là khu am – chùa Ngoạ Vân linh thiêng, là nơi dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành và hoá Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông… Các di sản nhà Trần tại Đông Triều hiện đã được đưa vào hồ sơ Quần thể khu di tích – danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình lên UNESCO để công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Thời gian qua, nhiều điểm di tích nơi đây đã được tu bổ, tôn tạo khá tốt, tuy nhiên việc đầu tư cho khai thác, phát triển du lịch còn nhiều hạn chế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách du lịch lưu lại Đông Triều chưa nhiều, ít các dịch vụ lưu trú, trải nghiệm chất lượng cao, chi tiêu của khách du lịch chủ yếu là cho các nhu cầu cơ bản của cá nhân. Việc kết nối, liên kết tuyến du lịch còn hạn chế. Dịch vụ bổ trợ, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm còn thiếu. Công tác truyền thông chưa thật sự chuyên nghiệp, chưa có chiều sâu nên chưa gây được ấn tượng sâu sắc cho du khách. Nhiều công ty lữ hành, du khách còn lạ lẫm khi nhắc tới du lịch Đông Triều.
Chị Hoàng Hải Anh phân tích: Lao động trên địa bàn thị xã vẫn thiên về lao động trong các khu công nghiệp hơn là lao động ngành dịch vụ. Vì vậy, quá trình hoạt động chúng tôi khá vất vả trong quá trình đào tạo, hướng dẫn. Sau này, chúng tôi mong muốn phối hợp cùng thị xã tổ chức những khoá đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nơi đây. Còn bà Bùi Thị Thể, Giám đốc Công ty CP 188, thì bày tỏ: Nghề dịch vụ luôn đòi hỏi phải làm mới, vì vậy mong các cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp về truyền thông trên các trang mạng xã hội, marketing, cũng như đẩy nhanh tiến độ cấp phép các thủ tục để những hình ảnh mới của doanh nghiệp được lan toả rộng rãi hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Phòng Văn hoá – Thông tin TX Đông Triều, cho biết: Du lịch Đông Triều thời gian tới được định hướng phát triển bền vững dựa vào 3 trụ cột “‘Thiên nhiên – Con người – Văn hóa”, trong đó có các nhóm và sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao như du lịch golf, du lịch sinh thái trải nghiệm, các tuyến đi bộ vào ban đêm… Địa phương cũng sẽ tăng cường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý tài nguyên du lịch, các khu, điểm du lịch. Đồng thời thúc đẩy công tác xúc tiến quảng bá du lịch với các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước để mở rộng thị trường…
Những giải pháp căn cơ này được hy vọng sẽ mở ra cơ hội cho sự đột phá, phục hồi mạnh mẽ của du lịch Đông Triều trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thiết nghĩ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế là đề xuất của nhiều doanh nghiệp đã và đang phát triển kinh doanh du lịch trên địa bàn, cũng đòi hỏi địa phương cần quan tâm hơn nữa.
[ad_2]
Du thuyền 5 sao Hạ Long