Du lịch đầu Xuân 2024: Vui lòng khách đến…

[ad_1]

Dịp đầu Xuân, lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh và tham gia lễ hội trên địa bàn tỉnh tăng cao. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch cũng như nếp sống văn minh trong các lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, ngành Du lịch tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Người dân, du khách tấp nập đến dự Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên) ngày 16/2, tức ngày mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn. Ảnh: Minh Đức
Người dân, du khách dự Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên) năm 2024. Ảnh: Minh Đức

Ngay từ đầu năm mới, ngành Du lịch đón những tín hiệu tích cực. Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 801.000 lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 108.903 lượt, gấp 6,4 lần so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ du lịch đạt 1.562 tỷ đồng. Công suất phòng các khách sạn 4-5 sao và tương đương đạt khoảng 50%; một số khách sạn đạt khoảng 70-80%, như: Vinpearl Hạ Long Bay Resort, The Watson, D’Lioro, Wyndham Legend…

Để du khách đón Xuân an lành, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn công tác nắm bắt thông tin tình hình hoạt động du lịch và rà soát, kiểm tra công tác chuẩn bị đón, phục vụ khách du lịch trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024; phân công trực Tết và thường trực đường dây nóng du lịch trong dịp Tết để kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin, hỗ trợ khách du lịch.

Theo thông tin từ Sở Du lịch, Sở đã kiểm tra, rà soát tại 16 cơ sở lưu trú du lịch; 6 lượt hướng dẫn viên du lịch tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Tuần Châu; nắm bắt thông tin tình hình tại một số cơ sở lưu trú, nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở lưu trú đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, như: Niêm yết công khai nội quy, bảng giá dịch vụ; cam kết thực hiện việc bình ổn giá theo giá niêm yết; đảm bảo quy định về ANTT, PCCC, vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP; trang trí khánh tiết, bố trí không gian Tết mang đậm nét văn hoá truyền thống dân tộc; chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để sẵn sàng phục vụ tốt nhất du khách trong dịp Tết; xây dựng chương trình đón khách du lịch “xông đất”, “lì xì”, tặng bánh chưng cho khách du lịch…

Đoàn liên ngành TP Uông Bí kiểm tra ATVSTP tại nhà hàng trong Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử.
Đoàn liên ngành TP Uông Bí kiểm tra vệ sinh ATTP tại nhà hàng trong Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử. Ảnh: Trung tâm TT-VH TP Uông Bí

Từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, Sở Du lịch tiếp nhận 1 ý kiến phản ánh về tình trạng rác trôi nổi trên Vịnh Hạ Long. Qua đó thông tin đến BQL Vịnh Hạ Long kịp thời chỉ đạo xử lý thu gom. Trong những ngày nghỉ Tết và mùa lễ hội 2024, Sở Du lịch tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động du lịch, thường trực đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch văn minh, lành mạnh, vui tươi, an toàn cho du khách; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động du lịch gắn với tổ chức lễ hội tín ngưỡng đầu năm tại các khu, điểm du lịch.

Quảng Ninh hiện có hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh; khoảng 120 lễ hội, trong đó có hơn 80 lễ hội diễn ra vào mùa Xuân, tiêu biểu: Tiên Công (TX Quảng Yên); Yên Tử; đền, chùa Hang Son, đình Đền Công, chùa Phổ Am (TP Uông Bí); chùa Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều); đình Đầm Hà (huyện Đầm Hà); đình Lục Nà (huyện Bình Liêu); đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả); đình Vạn Ninh (TP Móng Cái).

Du lịch tâm linh là một trong những thế mạnh, thu hút đông du khách đến Quảng Ninh. Từ ngày 10-14/2 (mùng 1 đến mùng 5 Tết) có trên 477.000 lượt khách đến các khu di tích, cơ sở thờ tự lớn. Một số nơi đón hàng nghìn lượt khách tham quan: Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử đón trên 75.300 lượt khách; chùa Ba Vàng đón 105.300 lượt khách; đền Cửa Ông gần 77.000 lượt khách; chùa Cái Bầu đón 72.000 lượt khách; Khu di tích Bạch Đằng giang đón 90.050 lượt khách; Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều đón gần 58.000 lượt khách.

Du khách tham quan, chiêm bái tại chùa Long Tiên, TP Hạ Long.
Du khách tham quan, chiêm bái tại chùa Long Tiên, TP Hạ Long.

Để đảm bảo hoạt động các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; xây dựng các phương án bảo đảm ANTT, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh ATTP, ATGT, an toàn sông nước; bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2024.

Các địa phương có các văn bản triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2024, tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin (TP Hạ Long), đơn vị đã yêu cầu các phường xã, cơ sở thờ tự, quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, điều kiện để lễ hội trên địa bàn diễn ra đảm bảo an toàn, không để xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, nhất là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí.

Các địa phương khác, như TX Đông Triều, TP Uông Bí… thành lập BTC Hội xuân Ngọa Vân, Hội xuân Yên Tử; xây dựng kế hoạch tổ chức khai mạc hội xuân và nhiệm vụ đón khách tham quan năm 2024. Các tổ chức tôn giáo trực thuộc, người đại diện, BQL cơ sở tín ngưỡng đăng ký, thông báo kế hoạch và chương trình tổ chức lễ hội với chính quyền địa phương theo quy định; đảm bảo diễn ra an toàn, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.



[ad_2]

Du thuyền 5 sao Hạ Long