Cân nhắc những yếu tố cần thiết khi tăng giá vé tham quan di tích, thắng cảnh
[ad_1]
Thời gian qua, việc các di tích, thắng cảnh ở thành phố Hà Nội đồng loạt tăng giá vé tham quan đang được dư luận quan tâm. Mức tăng giá tại mỗi di tích từ 1,5 đến 2 lần, cá biệt có nơi tăng hơn 3 lần.
Giá vé tại các di tích: Văn Miếu-Quốc Tử Giám tăng từ 30 lên 70 nghìn đồng (tăng 2,3 lần); Hỏa Lò từ 30 lên 50 nghìn đồng, đền Ngọc Sơn từ 30 lên 50 nghìn đồng (tăng 1,6 lần); Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ 30 lên 100 nghìn đồng (tăng 3,3 lần); Cổ Loa từ 10 lên 30 nghìn đồng (tăng 3 lần); chùa Hương tăng từ 78 lên 120 nghìn đồng (tăng 1,5 lần)… so với mức quy định năm 2020. Việc thay đổi giá vé được thực hiện theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Bên cạnh việc tăng giá vé cơ học, tại các di tích, thắng cảnh cũng dành ra những ưu tiên sao cho giá vé tăng không tác động tiêu cực đến một số đối tượng đặc thù. Trẻ em dưới 16 tuổi, người khuyết tật nặng được miễn vé vào cửa. Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên từ 16 tuổi trở lên, người ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, người có công với cách mạng được giảm 50% giá vé. Vào ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) hằng năm, tất cả di tích không thu vé; các dịp lễ quan trọng trong năm tại một số di tích, thắng cảnh cũng không thu vé vào cửa…
Việc mua vé vào tham quan di tích, thắng cảnh là bình thường, bởi hầu hết di tích ở Hà Nội hiện nay hoạt động theo cơ chế tự chủ, không được thành phố bao cấp. Việc bảo tồn, tu bổ di tích, bảo đảm vệ sinh môi trường thường xuyên đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Tăng giá vé tham quan di tích theo biến động của trượt giá và giá cả thị trường là cần thiết. Việc này đã được thành phố Hà Nội tiến hành thận trọng, tham khảo ý kiến của nhiều ngành trước khi áp dụng. Phần tiền thu tăng sẽ được tái đầu tư để bảo tồn di tích, tăng chất lượng phục vụ, bảo đảm vận hành bộ máy hành chính tại di tích.
Thực tế áp dụng thời gian qua cho thấy, việc tăng giá vé đã có tác động nhất định tới du khách. Tăng giá vé hầu hết di tích tạo áp lực “đồng loạt” đến các tour, tuyến du lịch; nhiều công ty du lịch lữ hành đã phải tính toán lại chi phí tour cho khách. Khách trong nước, học sinh, sinh viên, người già đã cân nhắc hơn khi vào thăm di tích vì phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ so với mặt bằng chi phí chung. Dư luận không khỏi băn khoăn trước một số quy định ưu tiên như “người khuyết tật nặng”, “người ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa”…, xác định còn chung chung, trong quá trình áp dụng sẽ dễ dẫn tới thắc mắc, tranh cãi.
Cùng là di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng chính sách và mức độ ưu tiên lại không giống nhau. Thí dụ như: Đền Ngọc Sơn không thu phí ngày giỗ Thánh 20/8 âm lịch, các ngày mồng 1 âm lịch hằng tháng; chùa Hương không thu phí ngày 30, mồng 1, mồng 2 Tết Nguyên đán, ngày lễ Phật Đản (15/4 âm lịch); đền Quán Thánh, chùa Tây Phương, chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm không thu phí các ngày 30, mồng 1, mồng 2 Tết Nguyên đán… Những quy định này thoạt tiên có vẻ như linh hoạt, nhưng với khách vãng lai lại khó nắm bắt, còn tại di tích có thể xảy ra tình trạng khó kiểm tra, giám sát.
Có ý kiến cho rằng, những di tích, thắng cảnh ở Hà Nội không chỉ là nơi thưởng ngoạn phong cảnh, thỏa mãn hiểu biết, trí tò mò mà còn là những địa danh mang trong mình nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đến Hoàng thành Thăng Long là để tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng của cha ông trong quá trình nghìn năm dựng nước và giữ nước; Nhà tù Hỏa Lò là chứng tích giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ… Với những nơi này, cần có chính sách ưu tiên khuyến khích, thu hút người dân đến tham quan hơn là những tiêu chí tài chính.
Thời điểm tăng giá vé ngay trước Tết Nguyên đán khi nhu cầu thăm viếng, nghỉ dưỡng của người dân và khách du lịch tăng đột biến cũng là yếu tố “nhạy cảm”, ảnh hưởng đến tâm lý khách tham quan. Nhiều ý kiến bày tỏ, ở thời điểm này tình hình kinh tế chung còn khó khăn, các doanh nghiệp du lịch đang phải tiết giảm chi phí, cá nhân phải thắt chặt chi tiêu, thì lại “gánh” thêm việc tăng chi phí. Có đại diện doanh nghiệp thậm chí còn cho rằng, lẽ ra Hà Nội nên giảm giá vé ở thời điểm này và có các chương trình khuyến mại để kích cầu du lịch thay vì tăng giá vé.
Cần khẳng định, việc thay đổi mức giá vé tham quan di tích, thắng cảnh một cách hợp lý với mục đích tăng chất lượng dịch vụ cho du khách là cần thiết và được dư luận đồng tình, ủng hộ. Nhưng thời điểm tăng giá vé, mức độ và lộ trình tăng giá; việc ưu tiên cho các đối tượng thụ hưởng và việc kiểm tra, giám sát quá trình này; việc sử dụng tiền thu được từ tăng giá vé… là những yếu tố cần được các cơ quan quản lý di tích, thắng cảnh và thành phố Hà Nội quan tâm xem xét và có những quyết định phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, để chính sách thật sự đi vào cuộc sống.
[ad_2]
Du thuyền 5 sao Hạ Long