Ba ngày khách Việt chinh phục núi tuyết Nhật trong -20 độ C
[ad_1]
Mất ba ngày “lội” qua lớp tuyết trắng dày 50 cm trên đường chinh phục đỉnh núi Karamatsu, nhóm anh Hoài phải dựng lều nghỉ giữa lưng chừng núi dưới cái lạnh – 20 độ C.
Nagano, tỉnh miền núi Nhật Bản, sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, có 25 ngọn núi trong tổng số 100 ngọn núi nổi tiếng của nước này. Nằm ở phía bắc tỉnh Nagano, Hakuba là điểm du lịch mùa đông nổi tiếng với loại tuyết trắng tinh, dày và xốp. Đây cũng là địa điểm tổ chức Thế Vận Hội Olympic Mùa Đông năm 1998.
Nằm trong Hakuba, Karamatsu (2.898 m) là một trong những đỉnh núi có lớp tuyết dày vào mùa đông, được nhiều tín đồ của các môn thể thao leo núi, trượt tuyết yêu thích.
Đỉnh núi Karamatsu cũng là ngọn núi mà anh Nguyễn Văn Hoài, 28 tuổi, hiện sinh sống ở tỉnh Aichi, Nhật Bản, ấp ủ chinh phục từ hai năm trước nhưng phải hoãn do thời tiết xấu. Vào cuối năm 2023, anh cùng 5 người bạn quyết định thử sức với đỉnh Karamatsu vào mùa đông. Chuyến đi bắt đầu vào ngày 29 và kết thúc vào 31/12/2023.
Nhóm xuất phát từ Nagoya bằng xe ôtô cá nhân, tới bãi trượt tuyết Happo One, bãi trượt tuyết lớn và nổi tiếng của Nhật Bản. Từ đây, nhóm ngồi cáp treo khoảng 10 phút để đến điểm xuất phát của quãng đường trekking lên đỉnh Karamatsu dài khoảng 10 km cả chiều đi và về.
Karamatsu được bao bọc bởi các dãy núi phủ tuyết trắng, những sườn núi nối dài vô tận. Trên đường đi có thể quan sát thấy các ngọn núi như Phú Sĩ, dãy Hakuba, dãy Tateyama, dãy Bắc Alps và đỉnh Goryu. Trong ảnh là dãy Hakuba từ trái qua gồm các đỉnh Shiroumadake, Shakushidake và Yarigadake.
Vào ngày khởi hành, thời tiết khá đẹp với nắng và gió nhẹ. Tuy nhiên, khi leo lên độ cao khoảng 2.400 m, đoàn gặp phải sườn đón gió. “Gió thổi mạnh hơn 20 m/s cùng với tuyết lún sâu gần 50 cm ở địa hình sườn núi dốc, dễ bị thổi hoặc trượt ngã xuống vực, nhóm phải mất khoảng một tiếng để vượt qua khu vực này”, anh Hoài cho biết.
Phần thưởng mà cả nhóm nhận lại là khung cảnh biển mây xuất hiện vào lúc hoàng hôn, khi mặt trời khuất sau đỉnh núi Tsurugi. Cả bầu trời vàng rực và sót lại vệt nắng cuối ngày duy nhất xuyên qua các dãy núi. Sau hành trình dài chống chọi với gió, tuyết và cái lạnh dưới 0 độ C, “cả nhóm như vỡ òa trong vui sướng khi được chứng kiến khoảnh khắc này”, anh Hoài cho biết.
Vì đi vào mùa đông nên toàn bộ các khu nhà trên núi đều đóng cửa. Nhóm anh Hoài đã tự mang theo lều để nghỉ qua đêm. Trong ảnh là một bức tường tuyết được xây xung quanh lều để chắn gió.
Càng lên cao nhiệt độ càng xuống thấp, cái lạnh sâu hơn, đặc biệt về đêm. Vào khoảng 4h ngày 30/12, nhiệt kế báo nhiệt độ trong lều là -16 độ C, nhiệt độ bên ngoài có thể tới -20 độ C trong khi theo dự báo thời tiết, nhiệt độ thấp nhất là -7 độ C.
“Nhưng điều khiến tôi ấn tượng là vào đêm nghỉ trong lều ở lưng chừng đỉnh Karamatsu, trăng rất sáng khiến bức ảnh chụp không khác gì ban ngày”, anh Hoài cho biết. Bức ảnh chụp vào khoảng 0h ngày 30/12 tại điểm dựng lều.
Vào thời khắc bình minh, lớp tuyết trắng trên đỉnh núi được nhuộm một màu hồng cam nhạt, mang đến vẻ đẹp thơ mộng giữa khung cảnh núi non hùng vĩ.
Trước đây, anh Hoài đã từng leo nhiều núi tuyết ở Nhật như: Phú Sĩ, Kisokomagatake, Kitadake, Tateyama, Karasawa, Ibuki, Arashimadake, Yarigatake, Norikura, Daisen. Đối với anh, Karamatsu mang đến “cảm giác phấn khích và thoả mãn khi bốn phía đều là núi tuyết”. Đặc biệt là đỉnh Goryu, nhìn từ xa hùng vĩ tựa như những đỉnh núi cao hơn 5.000 m ở Ấn Độ hay Nepal.
Nhóm anh Hoài lên đến đỉnh núi Karamatsu vào lúc hoàng hôn. Trên đường trở về, nắng, gió và tuyết tạo nên khung cảnh rực rỡ khi những cơn gió cuốn theo bụi tuyết tản ra khắp không gian.
Ánh nắng chiều màu vàng phủ lên những sườn núi dốc. “Nếu không nói là tuyết, nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là cát”, anh Hoài nói.
Một số núi tuyết khác ở Nhật khá ít tuyết vào mùa đông năm nay nhưng Karamatsu luôn có lớp tuyết dày có thể phủ lên mọi cảnh vật, theo anh Hoài tìm hiểu. Trong ảnh là hồ Happon nằm trên đường về đã bị “nhấn chìm” bởi tuyết.
Leo núi tuyết và leo núi thường có sự biệt rất lớn, đặc biệt là về sự chênh lệch nhiệt độ và những rủi ro có thể gặp phải. Nhiệt độ trên núi tuyết có thể thấp hơn so với dự báo khá nhiều, du khách cần chuẩn bị đầy đủ đồ giữ ấm để có thể chịu được nhiệt độ từ – 15 đến – 20 độ C.
Leo núi tuyết cần khá nhiều đồ chuyên dụng, du khách nên tham khảo những người có kinh nghiệm để chuẩn bị đầy đủ và hợp lý. Một số vật dụng cần thiết là giày chuyên dụng, đế đinh, rìu, xẻng. Nên sử dụng lều chuyên dụng mùa đông, kín gió, hoàn toàn ngăn khí lạnh.
Những sự cố khi leo núi tuyết dễ gặp nhất là tình trạng hạ thân nhiệt hoặc bỏng lạnh do thiếu đồ giữ ấm hoặc bị mất trong quá trình leo. Việc sử dụng đồ giữ ấm kém chất lượng có thể gây ra bỏng lạnh, trường hợp xấu nhất có thể phải cắt bỏ bộ phận đó, vì vậy cần đặc biệt lưu ý.
Ngoài ra, tình trạng sạt lở tuyết do tuyết rơi quá dày cũng là một mối nguy hiểm cho những người leo núi. Vì vậy, trước ngày xuất phát cần theo dõi sát điều kiện thời tiết và hủy lịch trình nếu thời tiết xấu để đảm bảo an toàn.
Thủ tục leo núi bên Nhật khá đơn giản. Trước khi leo núi, du khách khai báo với bên quản lý về cung đường leo, số lượng thành viên, thời gian dự kiến. Anh Hoài khuyên du khách nên mua bảo hiểm leo núi để phòng trường hợp xấu. Thời điểm thích hợp để leo núi tuyết ở Nhật Bản bắt đầu từ tháng 12, kéo dài đến khoảng đầu tháng 4. Chi phí cho chuyến đi khoảng 2,5 triệu đồng một người.
“Những khoảnh khắc, những khung cảnh được chứng kiến là hoàn toàn đáng giá”, anh nói.
[ad_2]
Du thuyền 5 sao Hạ Long