Sôi động thị trường khách du lịch Trung Quốc

[ad_1]

Trung Quốc là một trong những thị trường khách quốc tế lớn của du lịch Quảng Ninh. Để đón bắt cơ hội, khai thác tối đa thị trường tiềm năng này, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực cũng như làm việc với các địa phương của Trung Quốc để thực hiện chính sách xuất nhập cảnh thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân hai nước.

Tàu Zhao Shang Yi Dun cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Tàu Zhao Shang Yi Dun cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Cuối tháng 11 vừa qua, tàu Zhao Shang Yi Dun từ Cảng Xà Khẩu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Đây là chuyến tàu biển đầu tiên đưa khách ở thị trường Trung Quốc tới Hạ Long trong mùa tàu biển 2023. Sau khi cập cảng, du khách tham quan Vịnh Hạ Long, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, khám phá một số điểm đến nổi tiếng của TP Hạ Long. Bà Zhen Ling đi trên chuyến tàu này, cho biết: Đây là lần thứ hai tôi đến Hạ Long, lần đầu vào năm 2019. Tôi thấy, Hạ Long đã phát triển hơn rất nhiều, đẹp hơn, dịch vụ cũng được nâng cấp khiến du khách vô cùng hài lòng và thoải mái.

Theo lịch đăng ký, tần suất tàu Zhao Shang Yi Dun cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long khá đều đặn. Từ nay đến hết năm 2023, dự kiến có 5 chuyến tàu Zhao Shang Yi Dun đưa hơn 4.000 khách từ Trung Quốc tới thăm Vịnh Hạ Long. Còn nếu tính tới hết mùa tàu biển năm nay (tính tới tháng 3/2024), con tàu mang quốc tịch Trung Quốc này sẽ quay trở lại Hạ Long 14 lần, ước tính đưa hơn 12.000 lượt khách tới Quảng Ninh.

Đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho rằng, chuyến tàu khách đầu tiên từ Xà Khẩu trở lại Hạ Long có ý nghĩa rất lớn đối với du lịch Quảng Ninh, cho thấy tín hiệu trở lại tích cực của thị trường khách du lịch Trung Quốc sau dịch Covid-19 và sau các hạn chế trong chính sách xuất nhập cảnh thời gian trước. Năm 2024, dự kiến còn nhiều chuyến tàu đưa du khách Trung Quốc đến Việt Nam qua Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Lịch trình tham quan của dòng khách Trung Quốc thường là: Vịnh Hạ Long, TP Hạ Long, Yên Tử, Thủ đô Hà Nội. Hướng đi này sẽ góp phần đa dạng nguồn khách du lịch Trung Quốc nói riêng và khách quốc tế đến Quảng Ninh nói chung.

Trước đó, để thúc đẩy hoạt động du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) và TP Đông Hưng (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc) đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai dịch vụ du lịch bằng xe tự lái qua cầu Bắc Luân II, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ban Quản lý Cửa khẩu Móng Cái và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái cũng đã rà soát các điều kiện hạ tầng, phương tiện kỹ thuật, hệ thống nghiệp vụ. Đồng thời, phân công cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tại các vị trí công tác, đảm bảo sẵn sàng triển khai làm thủ tục hải quan đối với hoạt động xe du lịch tự lái thuận lợi, nhanh chóng, đúng quy định và theo các phương án quản lý hải quan của đơn vị đã xây dựng. 

Du khách xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái tại khu vực cửa khẩu cầu Bắc Luân II. Ảnh: Hữu Việt
Du khách xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái tại khu vực cửa khẩu cầu Bắc Luân II. Ảnh: Hữu Việt

Từ ngày 11/12/2023, khách sử dụng hộ chiếu và sổ thông hành du lịch biên giới được phép thông quan qua Cửa khẩu Bắc Luân II. Thời gian thông quan từ 8 giờ đến 15 giờ (giờ Hà Nội, tức từ 9 giờ đến 16 giờ Bắc Kinh). Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Trạm Kiểm dịch Y tế, Trạm quá cảnh đường bộ quốc tế Việt – Trung đã bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cần thiết, đảm bảo thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Công ty CP XNK quốc tế Tân Đại Dương đã bố trí xe điện và người lái xe để trung chuyển khách du lịch qua cầu, đảm bảo thiết lập hồ sơ đăng ký với trạm quản lý biên phòng hai nước.

Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng của ngành du lịch Quảng Ninh. Để sẵn sàng đón lượng khách du lịch Trung Quốc, các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã chủ động xây dựng các phương án đón khách phù hợp, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Chính quyền các địa phương, nhất là TP Hạ Long và TP Móng Cái thông tin các chính sách mới của phía Trung Quốc đến toàn bộ các cơ sở lưu trú, nhà hàng, doanh nghiệp du lịch vận tải, lữ hành để phục vụ khách chu đáo; yêu cầu các đơn vị có phương án đảm bảo ATTP, ANTT, chỉnh trang lại cơ sở vật chất, bổ sung nguồn hướng dẫn viên… sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đón khách, nhất là trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, để thu hút khách Trung Quốc quay trở lại, cần khôi phục mạng lưới các đường bay thường lệ, charter (chuyến bay thuê riêng). Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải liên kết hình thành đa dạng nhóm sản phẩm từ giá rẻ đến cao cấp để cung cấp cho đối tác, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, giảm sức ép và chi phối không tốt từ đối tác như trước đây. Các địa phương, doanh nghiệp nhanh chóng kết nối lại thị trường, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc trong việc giới thiệu, tổ chức cho khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam; tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm, du lịch, đón các đoàn famtrip, KOL (người có ảnh hưởng xã hội) từ thị trường Trung Quốc… Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội; phát triển trang web giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng Trung để tiếp thị tới thị trường này.



[ad_2]

Du thuyền 5 sao Hạ Long