Kỳ thú thiên nhiên Quảng Ninh
[ad_1]
Quảng Ninh có sơn kỳ, thuỷ tú, giới sinh vật phát triển phong phú với nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Cảnh sắc 4 mùa xanh tươi tạo nên vô số danh thắng làm say đắm lòng người… Những điều này đã được chúng tôi cảm nhận rõ nét khi đi cùng các chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) trong chuyến khảo sát về đa dạng sinh học tại những khu bảo tồn rừng trên địa bàn hay khảo sát dưới nước ở vùng biển Vân Đồn, Cô Tô vào dịp đầu năm nay.
Thiên nhiên đa dạng, đặc sắc
Quảng Ninh được ví như một nước Việt Nam thu nhỏ vì có cả biển đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi… Các vùng lại có sự đa dạng về địa hình, cảnh quan, với đặc trưng khí hậu khác nhau. Vì vậy, theo TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, đây chính là cơ sở thuận lợi để giới sinh vật trên địa bàn phát triển đa dạng về số lượng, thành phần loài và tạo ra sự đa dạng của các phân vùng sinh thái, các hệ sinh thái của Quảng Ninh có tính đại diện, đầy đủ cả 3 hệ sinh thái cơ bản của Việt Nam ở trên cạn, vùng đất ngập nước và dưới lòng biển…
Theo chân các chuyên gia khảo sát thực địa vào nhiều thời điểm khác nhau, chúng tôi đã có những khám phá mới mẻ về sự đa dạng của các hệ sinh thái, sự giàu có về thành phần loài sinh vật nơi rừng xanh, núi cao, ở những khe suối cho tới trong lòng biển xanh. Đặc biệt ấn tượng là khi đi sâu vào các khu bảo tồn, vườn quốc gia, chúng tôi không chỉ ấn tượng bởi cảnh quan xanh tươi, phong phú của những cánh rừng lim xanh to cả người ôm, rừng ngập mặn cao tới cả chục mét, rễ cây ngoằn ngoèo cắm sâu vào bùn lầy, những khe suối trong vắt, những vùng biển với các rạn san hô phong phú, những đàn cá bơi lội sinh động, mà còn biết về sự đa dạng sinh học của các loài ở Quảng Ninh.
Chia sẻ với chúng tôi, TS Đỗ Văn Tứ, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho hay, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, từ đó cập nhật dữ liệu, tu chỉnh tên khoa học và bổ sung thêm, đã gia tăng số lượng loài được ghi nhận ở Quảng Ninh hiện nay từ trên 4.500 loài lên tới trên 6.200 loài sinh vật. Trong đó có 183 loài được đánh giá ở một trong các thứ hạng bị đe dọa tuyệt chủng của Sách Đỏ Việt Nam (2007), 119 loài bị đe dọa tuyệt chủng theo đánh giá của IUCN, 297 loài trong các phụ lục I, II và III của Công ước CITES, 258 loài có trong các Nghị định của Việt Nam. Số lượng loài đặc hữu, phân bố hẹp của Việt Nam hoặc Quảng Ninh là 168 loài…
Cũng theo phân tích của anh, với địa hình chủ yếu là đồi núi, nhiều sông ngòi và hơn hai nghìn đảo đá vôi trên biển khiến địa bàn Quảng Ninh có sự biệt lập nhất định trong lịch sử và hiện tại, cũng góp phần tạo ra những loài đặc hữu, khi chúng đã biến đổi để thích nghi với điều kiện tự nhiên ở đây.
Cụ thể, loài thuộc diện nguy cấp, quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới có thể kể tới thằn lằn cá sấu, cho tới giờ chỉ có ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh với khoảng 200 cá thể. Hay loài cá cóc Việt Nam hiện chỉ phân bố ở một số tỉnh Đông Bắc, ở Quảng Ninh chỉ có ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng và Khu rừng quốc gia Yên Tử. Rồi loài thạch sùng mí Cát Bà chỉ phân bố duy nhất ở Vườn quốc gia Cát Bà và các đảo đá vôi trên Vịnh Hạ Long, thậm chí trên thế giới cũng không ở đâu ghi nhận loài này. Quảng Ninh cũng có nhiều loài mới được ghi nhận gần đây, như loài ếch nhẽo Quảng Ninh, loài rắn trán Hải Hà…
Cần sự chung tay bảo vệ, gìn giữ
Qua thực tế các chuyến đi của chúng tôi cho thấy, nhận thức của người dân địa phương đã có sự nâng lên, mong muốn gìn giữ rừng, bảo vệ môi trường sống và chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Cùng với đó, việc lập hồ sơ và được công nhận nhiều danh hiệu của quốc gia, quốc tế (Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long – Vườn Di sản ASEAN, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, Khu rừng quốc gia Yên Tử) cũng được các nhà khoa học đánh giá cao về hiệu quả trong việc giữ gìn sự đa dạng sinh học cũng như các loài đặc hữu, quý hiếm… Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu trong điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; tiên phong số hoá Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn và quy hoạch phát triển kinh tế bền vững.
Dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo về những nguy cơ dẫn tới sự suy giảm các loài trên địa bàn từ sự khai thác trái phép gỗ và lâm sản ngoài gỗ làm mất sinh cảnh của các loài thú; đánh bắt thủy sản bằng phương pháp hủy diệt; săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã nói chung và các loài thú nói riêng làm sinh vật cảnh rồi để buôn bán, làm thực phẩm, làm thuốc…
Điều này là có thực, những chuyến khảo sát trên rừng của chúng tôi đã bắt gặp không ít hình ảnh người dân vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt các loài chim, thú, kể cả là ở các khu vực bảo tồn thiên nhiên, rừng cấm quốc gia. TS Đỗ Văn Tứ nhận xét: Ở những vùng có điều kiện kinh tế càng khó khăn thì người dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi từ rừng càng lớn, dẫn tới nguy cơ xâm hại rừng càng cao hơn…”.
Còn ở vùng biển thì nguy cơ này thể hiện ở những con số biết nói mà chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường biển ghi nhận những năm gần đây, đặc biệt là với các rạn san hô. Đơn cử như quần đảo Cô Tô từ một khu vực có chất lượng các rạn san hô cao nhất nay đã trở thành khu vực có diện tích và độ phủ san hô sống thấp nhất Vịnh Bắc Bộ. Các rạn san hô Hồng Vàn và Bắc Vàn từng được coi là rạn lớn nhất Vịnh Bắc Bộ với chiều dài hàng km, độ phủ cao trên 45%, nhưng đến nay toàn bộ đã chết hết mà chưa có dấu hiệu phục hồi…
Điều này không chỉ riêng với san hô ở vùng biển Cô Tô mà chịu tác động của nhiều yếu tố cả về tự nhiên và con người, nguồn lợi thuỷ sản nói chung cũng như các rạn san hô ở các vùng biển Quảng Ninh nói riêng cũng bị suy thoái mạnh thời gian qua.
Cơ hội nào cho du lịch ở các khu bảo tồn?
Qua thực tế của chúng tôi cũng cho thấy, lực lượng kiểm lâm, lực lượng quản lý ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia trên địa bàn tỉnh hiện còn rất mỏng, quản lý diện tích lớn, trang thiết bị và kiến thức về bảo tồn còn rất thiếu, nguồn thu nhập thấp nên khó có thể quản lý tốt được các diện tích rừng và lâm sản hiện có.
Trong khi đó, cảnh quan tuyệt đẹp, hoang sơ, hệ sinh thái ở các khu bảo tồn thiên nhiên là tiềm năng giàu có cho du lịch sinh thái địa phương. Các đơn vị quản lý tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn đều rất mong mỏi có thể khai thác du lịch từ các giá trị tự nhiên sẵn có nhằm cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên, phát triển rừng bền vững, nhưng do vướng mắc từ nhiều phía, trong đó có vấn đề về cơ chế, chính sách bị bó nên lâu nay vẫn giống như “nàng công chúa đang ngủ say”.
Gợi mở về hướng phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều chuyên gia đề xuất việc chia làm 2 loại hình, đó là du lịch phổ biến, đại trà ở vùng đệm và du lịch có chọn lọc ở các khu vực vùng lõi, có giá trị đa dạng sinh học cao. Qua đó, góp phần nâng cao sinh kế cộng đồng và gia tăng ý thức trong bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Chia sẻ về kinh nghiệm này ở Việt Nam và thế giới, GS.TS Trương Xuân Lam, Viện Phó Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, phân tích: Việc bảo tồn thiên thiên và phát triển du lịch thường có xung khắc. Khi mà làm du lịch không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học, hoặc là khi quản lý chặt chẽ việc bảo tồn đa dạng sinh học và các loài đặc hữu thì lại hạn chế sự phát triển du lịch. Quảng Ninh có nhiều lợi thế cho du lịch sinh thái, nếu chúng ta có một chính sách hợp lý, một chế tài vừa đủ thì giải quyết xung khắc này cũng không khó. Cơ quan chức năng kết hợp với các nhà khoa học cùng các công ty lữ hành du lịch ngồi lại với nhau thì sẽ có thể hài hoà 2 lợi ích, vừa phát triển du lịch vừa có thể bảo tồn tốt các giá trị quý báu về tự nhiên mà tỉnh đang có…
[ad_2]
Du thuyền 5 sao Hạ Long