Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng chài Cửa Vạn

[ad_1]

Làng chài Cửa Vạn là một trong những ngôi làng đẹp, ấn tượng nhất thế giới, chứa đựng những nét văn hóa độc đáo của ngư dân trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số công trình, hạng mục ở khu vực này xuống cấp nghiêm trọng. Để bảo tồn và phát huy các giá trị của làng chài Cửa Vạn, rất cần những chủ trương, chính sách kịp thời.

Kết cấu dầm thép đỡ toàn bộ khối công trình Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn đã bị gỉ sét, ăn mòn và xuống cấp nghiêm trọng.
Kết cấu dầm thép đỡ toàn bộ khối công trình Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn đã bị gỉ sét, ăn mòn và xuống cấp nghiêm trọng.

Chênh vênh làng chài trên Vịnh

Cuối tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của gió mạnh và mưa lớn liên tục kéo dài, bè nổi Khu Bảo tồn lớp học làng chài trên Vịnh Hạ Long bị chìm xuống biển. Để đảm bảo công tác an toàn và mỹ quan tại điểm tham quan Cửa Vạn, ngay trong ngày 27/9, sau khi nhà bè bị nghiêng, mặc dù thời tiết vẫn mưa lớn, nhưng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tiến hành khảo sát, lưu giữ các thông tin, số liệu về nhà bè để làm tư liệu phục vụ cho việc phục dựng sau này và có ngay phương án đánh giá, tháo dỡ nhà bè, lớp học vào ngày 28/9. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng tích cực phối hợp với UBND TP Hạ Long và các ngành chức năng liên quan để đưa dự án sửa chữa, phục hồi các nhà bè bảo tồn được triển khai trong thời gian sớm nhất, nhằm mục đích bảo tồn không gian văn hóa làng chài xưa và phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Được biết, Khu Bảo tồn lớp học làng chài trên Vịnh Hạ Long là bè nổi có kiến trúc nhà gỗ 2 phòng học, phao nổi được làm bằng các thùng phi. Trước đây, bè nổi là nơi dạy học cho trẻ em là con của ngư dân 2 làng chài Vung Viêng và Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long. Từ khi TP Hạ Long thực hiện di dân làng chài trên Vịnh lên bờ sinh sống, các lớp học này không còn, bè nổi trở thành Khu Bảo tồn lớp học làng chài phục vụ khách tham quan. Do nhà bè được làm bằng gỗ, dựng trên hệ thống phao lâu ngày đã xuống cấp, có nguy cơ bị chìm, nên không đảm bảo an toàn cho hoạt động tham quan, trải nghiệm của khách du lịch.

Đường dẫn dạng cầu sắt giữa các đơn nguyên bị han gỉ.
Tấm chắn bảo vệ tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn bị đứt gẫy, han gỉ.

Khu Bảo tồn lớp học làng chài trên Vịnh Hạ Long nằm trong Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn được khánh thành đưa vào sử dụng từ năm 2006. Đây là mô hình trung tâm văn hóa nổi đầu tiên dành cho cộng đồng ngư dân được xây dựng tại Việt Nam nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa làng chài thông qua những sinh hoạt truyền thống, cũng như hoạt động giao lưu giữa cộng đồng dân cư và du khách.

Công trình được cải tạo sửa chữa năm 2017 với mục đích đảm bảo an toàn, mỹ quan phục vụ đón tiếp khách tham quan làng chài Cửa Vạn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không chỉ Khu Bảo tồn lớp học làng chài trên Vịnh Hạ Long bị hư hỏng, mà nhiều công trình hạng mục của Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn cũng đang xuống cấp. Qua thời gian sử dụng trong môi trường biển khắc nghiệt, phần kết cấu dầm thép đỡ toàn bộ khối công trình Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn đã bị gỉ sét, ăn mòn và xuống cấp nghiêm trọng.

Ngoài ra, hệ thống xích neo han gỉ, bung chìm; hệ thống phao composite có nhiều hà bám; khu vực nhà máy phát điện bị nghiêng, bong bật tấm đáy đặt máy không đảm bảo an toàn; đường dẫn dạng cầu sắt giữa các khu bị han gỉ; sơn tường trong và ngoài nhà nhiều chỗ bị bong tróc… dẫn đến mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan chung. Việc thay thế, sửa chữa hệ thống kết cấu; cải tạo, nâng cấp phần kiến trúc của Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn là hết sức cấp bách, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo mỹ quan, môi trường của Di sản Vịnh Hạ Long.

Cầu gỗ nối các khu Trung tâm đã cong vênh, phải chăng dây hạn chế du khách di chuyển để đảm bảo an toàn.
Cầu gỗ nối các khu Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn đã cong vênh, phải chăng dây hạn chế du khách di chuyển.

Theo một số nhân viên tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, khách du lịch, nhất là khách nước ngoài rất thích thú khi tham quan và trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại trung tâm. Tuy nhiên, do nhiều công trình xuống cấp khiến đơn vị phải chăng dây, cắm biển những khu vực nguy hiểm, hạn chế việc tham quan, tìm hiểu các nét văn hóa độc đáo tại đây. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảm nhận và cách nhìn của du khách đến việc phát triển du lịch tại Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn nói riêng và của Vịnh Hạ Long nói chung.

Không chỉ Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, hiện các nhà bè nằm trong khu vực bảo tồn cũng đã mục nát. Năm 2014, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp nhận 69 nhà bè của ngư dân làng chài giữ lại nhằm bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh sau khi cộng đồng ngư dân các làng chài di dời lên bờ sinh sống. Các nhà bè được bố trí tại khu vực Cửa Vạn và Vung Viêng. Đến nay, các nhà bè chủ yếu làm bằng gỗ tạp trên hệ thống phao xốp, nên qua thời gian sử dụng đã cũ hỏng, mất mỹ quan và không đảm bảo an toàn cho hoạt động tham quan của du khách. Hiện có 25 nhà bè đã và đang xuống cấp nghiêm trọng cần khẩn trương đầu tư, sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Thanh (chủ một nhà bè) cho biết: Chúng tôi được các cơ quan quản lý bàn giao ngôi nhà này để trông nom, nuôi trồng thủy sản phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch. Khu vực này thuộc tuyến 4 tham quan Vịnh Hạ Long, là điểm nhấn thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài. Thời gian trước, du khách đến đông, tuy nhiên 3 năm trở lại đây thưa thớt dần do nhiều hạng mục không được đầu tư, hạn chế việc tham quan của du khách để đảm bảo an toàn. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm đầu tư, xây dựng lại khu vực này để bảo tồn, lưu giữ làng chài, cũng như quảng bá văn hóa độc đáo này đến du khách.

Cần “phao cứu sinh” các công trình văn hóa làng chài

Theo đánh giá của các chuyên gia, công trình Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn cần được thay thế, sửa chữa toàn bộ hệ kết cấu và cải tạo, nâng cấp phần kiến trúc của nhà với nguồn kinh phí lớn và phải được thực hiện bởi đơn vị chuyên nghiệp để đảm bảo tính bền vững, đồng bộ, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, cần có đơn vị tư vấn có năng lực hành nghề thiết kế tu bổ tôn tạo di tích và có chức năng thiết kế công trình biển để lập hồ sơ trình thẩm định phê duyệt. Trong khi đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long hiện thiếu nguồn nhân lực chuyên môn có liên quan; thiếu kinh nghiệm để thực hiện các dự án lớn, cũng như thẩm quyền để thực hiện, nên việc sửa chữa Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hiện trạng nhà bè ngay sau khi bị đổ nghiêng ngày 26/9 vừa qua. Ảnh: Ban quản lý Vịnh Hạ Long cung cấp.
Hiện trạng nhà bè ngay sau khi bị đổ nghiêng ngày 26/9 vừa qua. Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cung cấp.

Ngày 2/8/2021, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long có văn bản số 408/BQLVHLNVNC về việc xin chủ trương cấp kinh phí sửa chữa các nhà bè nhằm bảo tồn, phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương tại Văn bản số 6314/UBND-VX1.

Theo đó, cho phép Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đầu tư sửa chữa, nâng cấp các nhà bè theo phương án lập đề án quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư để tổ chức đầu tư cải tạo, sửa chữa, quản lý, khai thác dự án. Tuy nhiên, do chi phí sửa chữa, nâng cấp các nhà bè rất lớn và do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên đơn vị không thể thu hút nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện.

Nhà bè của ông Nguyễn Văn Thanh nằm trong khu bảo tồn đã xuống cấp.
Nhà bè của ông Nguyễn Văn Thanh nằm trong khu bảo tồn đã xuống cấp.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Hiện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang tích cực phối hợp với UBND TP Hạ Long và các ngành chức năng liên quan để đưa dự án sửa chữa, phục hồi các nhà bè bảo tồn được triển khai trong thời gian sớm nhất, nhằm mục đích bảo tồn không gian văn hóa làng chài xưa và phát triển sản phẩm du lịch sau này. Đồng thời, phân loại những công trình, xây dựng kế hoạch sửa chữa, phục dựng các công trình kiến trúc liên quan đến giá trị văn hóa làng chài.

Những công trình không còn sử dụng được sẽ loại bỏ, để phục dựng mới, trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc kiến trúc, cũng như hình thái của các công trình kiến trúc cũ, song độ an toàn phải cao hơn, chống chịu được thời tiết, đặc biệt là chống chịu được sự bào mòn của nước biển, gió biển.

Về lâu dài, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Vịnh Hạ Long. Quy hoạch này là định hướng quan trọng để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển những sản phẩm du lịch và đặc biệt là cơ sở pháp lý để kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng nhân dân có hoạt động đầu tư phát triển du lịch phù hợp với quy định của pháp luật. Từ đó, thu hút đông du khách đến với Vịnh Hạ Long và có thêm các sản phẩm độc đáo phục vụ du khách.

Làng chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long mang vẻ đẹp bình yên và thơ mộng mới đây đã được Bright Side, trang tin về Giáo dục – Văn hoá – Du lịch, đưa vào danh sách những ngôi làng cổ tích đẹp như tranh của thế giới.

Theo Bright Side, làng chài Cửa Vạn là điểm đến lý tưởng dành cho những ai đang tìm kiếm sự yên bình và muốn hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.

Cuối tháng 3/2023, tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Travel + Leisure đã đề xuất tốp 16 thị trấn ven biển xinh đẹp nhất thế giới, trong đó có làng chài Cửa Vạn của Việt Nam.



[ad_2]

Du thuyền 5 sao Hạ Long