7 bản làng bình yên níu chân du khách ở Sa Pa

[ad_1]

Trong hành trình du lịch Sa Pa, du khách hãy dành thời gian ghé thăm bản làng trong thung lũng Mường Hoa xinh đẹp.

Một số bản làng xa xôi hơn để du khách khám phá ở Sa Pa phải kể đến bản Nậm Cang, Nậm Than, Nậm Nhìu… Ảnh: Thùy Dương

Bản Cát Cát

Bản Cát Cát nép mình dưới chân núi Hoàng Liên, nằm trong thung lũng Mường Hoa, xã San Sả Hồ, cách trung tâm thị trấn Sa Pa hơn 2km. Bản làng này phát triển du lịch từ lâu, hàng năm thu hút đông đảo du khách tới vãn cảnh, trải nghiệm nếp sống sinh hoạt và văn hóa thú vị của người H”mông.

Du khách nhí trong trang phục bé gái H’mông chụp hình check-in. Ảnh: Linh Boo

Bạn có thể thuê trang phục của người dân tộc, hóa thân thành những chàng trai, cô gái miền sơn cước trong những bộ quần áo rực rỡ sắc màu. Ngay lối vào bản Cát Cát có rất nhiều cửa hàng cho thuê trang phục, chi phí khoảng 200.000 đồng/bộ đầy đủ phụ kiện.

Lang thang trong bản Cát Cát, du khách thoải mái mua đồ lưu niệm, chụp hình sống ảo tại cầu Si bắc ngang qua thác Cát Cát, bánh xe nước chảy, ruộng bậc thang, suối Hoa… Vé vào bản 90.000 đồng/người lớn, 50.000 đồng/trẻ em.

Bản Sín Chải

Từ bản Cát Cát, đi thêm khoảng 2 km du khách sẽ tới bản Sín Chải (hay Xín Chải). Mặc dù nằm khá gần nhau, hoạt động du lịch ở Sín Chải lại chưa nhộn nhịp như Cát Cát. Đây là địa điểm lý tưởng cho du khách không muốn đi quá xa thị trấn Sa Pa, mà vẫn muốn tìm hiểu cuộc sống giản dị của người H’mông đen bản địa.

Bản Sín Chải là một trong những bản có diện tích lớn nhất thuộc địa phận xã San Sả Hồ, Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Linh Boo

Những ngôi nhà vách gỗ nhỏ xinh bên triền núi, mang kiến trúc đặc trưng của người H’mông sẽ khiến ai nấy phải trầm trồ. Lối đi vào bản khá nhỏ, con đường chỉ rộng đủ một chiếc xe máy đi qua nhưng không thể cản bước chân của những du khách ưa khám phá.

Bản Lao Chải

Bản Lao Chải cách thị trấn Sa Pa khoảng 7 km, là nơi cư ngụ của người Dao, Giáy và H’mông. Bản tọa lạc ở vị trí lý tưởng, lưng tựa vào dãy Hoàng Liên Sơn, trước mặt là dòng suối Mường Hoa quanh năm mát mẻ, xung quanh là các thửa ruộng bậc thang uốn lượn trùng điệp.

Bản Lao Chải là địa điểm ngắm ruộng bậc thang lý tưởng. Ảnh: Linh Boo

Đường đến Lao Chải trải nhựa giúp du khách di chuyển dễ dàng, địa hình núi nên có nhiều khúc cua, đoạn dốc quanh co. Nếu di chuyển tới đây bằng xe máy, du khách sẽ được ngắm trọn vẹn khung cảnh tuyệt mỹ hai bên đường và hít thở bầu không khí trong lành thơm mùi lúa chín.

Bản Tả Van

Từ bản Lao Chải, đi thêm 3km sẽ tới bản Tả Van, nơi sinh sống của đồng bào Giáy và một số dân tộc ít người khác. Khách tham quan thường kết hợp du ngoạn Lao Chải – Tả Van trong một đến hai ngày.

Những căn nhà của người dân bản dọc triền núi khiến cho bức tranh bản Tả Van thêm đẹp đến nao lòng. Ảnh: Linh Boo

Giữa không gian khoáng đạt, Tả Van nằm trải dài trên thung lũng Mường Hoa, mang trong mình vẻ đẹp yên bình, hoang sơ của miền sơn cước. Thời điểm lý tưởng nhất để đến đây là mùa nước đổ từ tháng 4 đến tháng 6 và mùa lúa chín từ cuối tháng tháng 8 đến tháng 9.

Du khách có thể ghé những quán cà phê, điểm cắm trại lưng chừng đồi hay giữa ruộng bậc thang để ngắm trọn mùa vàng Sa Pa ở Tả Van. Một số địa chỉ tham khảo là Thuyền Mây, Sailing Coffee, Black & White…

Ở Tả Van, dịch vụ homestay rất phát triển, cũng là bản có nhiều homestay cho thuê bậc nhất ở Sa Pa. Du khách có thể nghỉ lại qua đêm để được ngắm bình minh khi những tia nắng ló rạng, hay chiều hoàng hôn xem người dân bản thu hoạch, đốt rơm rạ…

Giàng Tả Chải

Bản Giàng Tả Chải thuộc xã Tả Phìn, huyện Sapa, lưng chừng núi ở độ cao 1.400 m. Giàng Tả Chải chia thành Giàng Tả Chải H’mông và Giàng Tả Chải Dao. Từ thị trấn Sa Pa, muốn tới Giàng Tả Chải phải di chuyển quãng đường 11 km, đi qua Lao Chải – Tả Van và bãi đá cổ. Có đoạn đường hơi khó đi, sỏi đá gập ghềnh, với nhiều khúc cua tay áo.

Giàng Tả Chải là điểm đến yêu thích của du khách yêu thiên nhiên, thích khám phá và trải nghiệm. Ảnh: Linh Boo

Địa thế hiểm trở, bản được bao bọc bởi cánh rừng nguyên sinh đặc hữu rộng tới 50 ha, và 30 ha rừng tái sinh. Cũng chính vì thế, đây là địa điểm được nhiều du khách nước ngoài chọn để trekking. Du khách sẽ băng qua những con đường ngoằn ngoèo xuôi xuống thung lũng Mường Hoa, hay leo lên những ngọn đồi cao ngút ngàn để tới rừng trúc, chinh phục núi Trái Tim…

Bản Hồ

Xã bản Hồ nằm ở cuối thung lũng Mường Hoa, cách thị trấn Sa Pa xa nhất so với các bản làng khác, khoảng 32km. Từ Giàng Tả Chải đi thêm khoảng 23km nữa là tới bản Hồ, nơi sinh sống của dân tộc Tày.

Xã bản Hồ nằm lọt thỏm trong những dãy núi cao thăm thẳm. Ngắm bản Hồ từ trên cao cảm giác vô cùng tuyệt vời. Ảnh: Linh Boo

Chạy xe qua cung đường vòng vèo hùng vĩ tới thôn trung tâm bản Dền nằm ngay trên mặt đường lớn, du khách sẽ bắt gặp con đường chính dẫn xuống bản Hồ. Đường xuống bản rất dốc, lại ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua tay áo.

Điều thú vị nhất khi đến bản Hồ là trải nghiệm tắm suối khoáng nóng ven thung lũng, cạnh con suối Mường Hoa. Khu tắm suối khoáng nóng đã được một số hộ đầu tư xây dựng thành các bể tắm tập thể và riêng lẻ. Giá tắm suối khoáng nóng ở đây khá bình dân, chỉ từ 20.000 đồng/người.

Bản Tả Phìn

Bản Tả Phìn nằm gọn trong thung lũng bốn mặt là núi, có diện tích khá rộng và bằng phẳng, cách thị trấn Sa Pa khoảng 12 km. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao đỏ và H’mông. Điều thú vị ở Tả Phìn là có khá nhiều hang động tự nhiên chưa được khai thác, khám phá.

Bản Tả Phìn chính là quê hương của lá thuốc tắm Dao Đỏ trứ danh. Ghé tới bản, du khách có cơ hội trải nghiệm tắm lá thuốc tươi, mua đồ thổ cẩm, hái dâu tây… và thưởng thức các món đặc sản vùng cao. Trên đường tới bản, du khách có thể ghé thăm tu viện cổ Tả Phìn, phế tích được nhiều bạn trẻ tìm đến check-in, chụp ảnh.

Người Dao Đỏ ở bản Tả Phìn. Ảnh: Khuê Việt Trường



[ad_2]

Du thuyền 5 sao Hạ Long